Sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu

Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 01/11/2023

Ngành nông nghiệp nhìn nhận, ngành hàng lúa gạo hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế. Thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ và do chất lượng gạo chưa đồng đều. Các biện pháp canh tác vẫn chưa bền vững, nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tài nguyên nước. Nếu hệ thống canh tác không thay đổi thì sẽ gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và đặc biệt là gây ảnh hưởng đến môi trường, gây phát thải khí nhà kính.

Sức cạnh tranh sản phẩm lúa gạo chưa cao

Bình Thuận là tỉnh có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, trong đó cây lúa là một trong những cây trồng sản xuất chính của tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích canh tác lúa hàng năm của Bình Thuận trên 100.000 ha với năng suất bình quân trên 60 tạ/ha, sản lượng lúa bình quân đạt 640.000 – 740.000 tấn. Qua đó, đáp ứng yêu cầu sản xuất lương thực theo hướng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và tiến tới tham gia xuất khẩu.

z4627104878561_46de1b88111853c4d78c4b4d13f0b1cf.jpg
Nông dân thu hoạch lúa.

Tuy nhiên, những năm qua do điều kiện sản xuất và các vấn đề kỹ thuật nên năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm lúa gạo còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Trong đó, nổi rõ là việc sản xuất lúa liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Song song, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa theo điều kiện của biến đổi khí hậu, sự gắn kết giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, sử dụng phân bón còn chưa hợp lý...

z4833760268562_5fea2e8621c611a0b2a94eeff9376248.jpg
z4833761791671_417c938c36e26bb246429dcdad6bf54f.jpg
Nhiều diện tích lúa bị hư hại do thiên tai.

Để từng bước khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả sản xuất, trong thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ nông dân sản xuất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong đó đã giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiều mô hình lúa theo hướng sử dụng ít nguồn nước, giống, phân bón. Đơn cử như mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, canh tác lúa thân thiện với môi trường, sử dụng phân bón hợp lý, tưới nước tiết kiệm… Mục tiêu không ngừng nâng cao nhận thức cho người sản xuất, góp phần mang lại nguồn thu nhập cho nông dân sản xuất lúa.

z4833772839546_85cec3a673ad0841dedb109c2a847795.jpg
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuất.

Luân canh cây trồng trên đất lúa

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, từ năm 2022 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi, trữ lượng nước các công trình thủy lợi, các hồ chứa cung cấp đảm bảo cho sản xuất. Bên cạnh, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa những năm gần gây đạt kết quả khả quan, với tổng diện tích trên 19.000 ha. Trong đó, năm 2020 - 2021 là 8.194 ha; năm 2021-2022 là 5.198 ha, dự kiến năm 2023 là 6.000 ha, thời vụ chuyển đổi chủ yếu là vụ đông xuân. Kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cho thấy hầu hết nông dân đều tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, lợi nhuận tăng hơn so với sản xuất 3 vụ lúa từ 2 - 3 triệu đồng/ha (mô hình 2 lúa +1 đậu phộng đạt hiệu quả cao nhất khoảng 10 - 20 triệu/ha).

z4833765648402_b0662873650651c595504dfe2ebdbd9a.jpg
Trưng bày sản phẩm lúa gạo sản xuất theo Dự án lúa "thân thiện với môi trường" tại Tuy Phong.

Ngoài ra, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất lúa (2 lúa + 1 màu, 1 lúa + 1 màu) đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thuần lúa khoảng từ 10 - 30%. So với cây lúa, các cây trồng khác luân canh trên đất lúa đều cho lợi nhuận cao hơn. Trong đó, lãi bình quân trên 1 ha/vụ gồm lúa là 5 - 6,8 triệu đồng; bắp là 8,5 - 9,2 triệu đồng; rau 15 - 17 triệu đồng… Về hiệu quả môi trường, việc luân canh cây trồng trên đất lúa giúp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh, nhất là trên cây lúa, cải tạo dinh dưỡng và sức khỏe cho đất. Đặc biệt sẽ tiết kiệm nguồn nước tưới, nhất là vụ đông xuân thường khan hiếm nguồn nước. Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giúp giải quyết một phần nguồn lao động nông nhàn, thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân. Đồng thời tạo ra nguồn nông sản phong phú, ngoài lúa gạo giúp giải quyết nhu cầu thực phẩm cho địa phương.

Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT, phấn đấu đến năm 2025 Bình Thuận ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao đạt gần 18.000 ha, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha. Trong đó có khoảng 50% diện tích có liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, xây dựng khoảng 15 mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong nhằm chuyển nhanh sang sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kiều Hằng