Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thi công hoàn thành đường gom dân sinh

Chính trị - Ngày đăng : 16:33, 01/11/2023

BTO-Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều nay 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận khẳng định, năm 2023, nhiều hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý khá kịp thời, quyết liệt nhiều vụ việc cụ thể. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã trực tiếp cùng với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương làm việc với nhiều địa phương, nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là những điểm nghẽn về giao thông như triển khai đồng bộ toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam ở phía Đông và các tuyến cao tốc khác.

1.jpg
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận chiều nay 1/11. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, nền kinh tế nước ta vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn như báo cáo đã phân tích khá cụ thể. Đại biểu Bố Thị Xuân Linh bày tỏ sự quan tâm và trăn trở các yếu tố về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ; tỷ lệ tăng trưởng GDP còn thấp (9 tháng 2023 đạt 4,24%); công tác cải cách hành chính chưa được phân quyền triệt để cho các địa phương.... Những vấn đề trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích đầy đủ, làm rõ những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan giải ngân đầu tư công và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan. Trên cơ sở đó nhìn nhận thấu đáo các vấn đề, từ đó rút ra những kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo điều hành, quản lý.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh bày tỏ thống nhất với 15 chỉ tiêu chủ yếu và 5 cân đối lớn mà Chính phủ đã đề cập và thể hiện trong báo cáo; nhất là đánh giá cao 6 quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024 với 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sẽ tạo xung lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.

Năm 2024, để thúc đẩy tăng trưởng GDP, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế . Trong đó, đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí; đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa… Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Mặt khác, theo đại biểu, cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã vui mừng, phấn khởi khi được nâng lương tối thiểu vào tháng 7/2023 phần nào giúp cán bộ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Tuy nhiên, so với mặt bằng giá cả hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ không chuyên trách hiện nay xin nghỉ việc có chiều hướng tăng lên do mức lương chưa đáp ứng được cuộc sống hiện tại trong khi công việc ở cơ sở và khu dân cư rất nhiều. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm có các chính sách, giải pháp phù hợp như có chính sách cử cán bộ không chuyên trách đi đào tạo, bồi dưỡng, chế độ bồi dưỡng trách nhiệm, tăng lương, tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã để họ yên tâm công tác, phục vụ nhân dân.

Trên lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung đầu tư đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường cao tốc, trong đó có tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhiều tuyến đường đi lại phục vụ cho việc thi công đều xuống cấp nghiêm trọng, đường gom dân sinh chưa hoàn thiện gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại của nhân dân địa phương. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sớm. Mặt khác, tuyến cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo thiết kế chỉ 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp nên thời gian qua xảy ra một số vụ tai nạn. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm cần tính toán mở rộng để đảm bảo an toàn giao thông.

T.HÀ