Tự bảo vệ tài sản của riêng mình
Pháp luật - Ngày đăng : 08:44, 02/11/2023
Vẫn biết rằng nguy cơ bị giật hụi luôn xảy ra nhưng do ham lãi cao nhiều người vẫn bất chấp rủi ro để chơi, đến khi vỡ hụi khiến không ít gia đình lâm vào cảnh bế tắc. Thực trạng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không còn là mới với hình thức góp vốn, tích lũy vốn để hỗ trợ nhau trong đời sống giữa những người thân quen, chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau nên chỉ giao kết bằng miệng hoặc ghi chép đơn giản. Khi kinh tế, xã hội phát triển, hụi cũng phát triển theo, một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vì vậy vỡ hụi xảy ra ở nhiều nơi, khiến cho không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao. Năm 2020, tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam đã từng xảy ra vỡ hụi gần 200 tỷ đồng khiến hàng trăm người khốn đốn. Chơi hụi là một hình thức tín dụng dân gian đã có từ lâu trong cộng đồng người Việt Nam. Ban đầu nó là một hình thức góp vốn có ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần tương trợ nhau trong cộng đồng. Qua thời gian, việc chơi hụi có lúc, có nơi bị biến tướng thành một loại cờ bạc và nhiều người lợi dụng nó để lừa đảo. Dễ thấy nhất là việc mua bán hụi chết và đặt lãi cao để tranh hốt hụi trước rồi bỏ trốn. Còn các chủ hụi thì lợi dụng tâm lý con hụi nào cũng ham lãi cao để huy động và chiếm đoạt vốn của các con hụi. Không loại trừ trường hợp chủ hụi ngay từ khi mở hụi đã có ý đồ lừa đảo. Họ dùng mánh khóe phô trương vật chất, khiến người chơi cứ tưởng họ là người giàu có. Các chủ hụi này lúc đầu thường chi trả gốc và lãi sòng phẳng để kích thích lòng tham của người chơi hụi. Đến khi đã huy động được nhiều người chơi với số tiền lớn thì “cao chạy xa bay”.
Thực tế cho thấy, ở đâu chơi hụi lãi càng cao thì ở đó rủi ro càng lớn. Vấn đề này đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều lần, nhưng nhiều người vẫn cả tin và rơi vào cảnh khốn khổ vì hụi. Chuyện vỡ hụi không còn là chuyện mới và như cơn lốc kéo theo bao nhiêu hệ lụy, làm ly tán tình thân, phá vỡ hạnh phúc gia đình, nợ nần chồng chất, thậm chí đã xảy ra án mạng, tuy nhiên nhiều người vẫn cứ chơi bởi lòng tham lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với gửi tiết kiệm. Mặc dù pháp luật không khuyến khích người dân chơi hụi, nhưng thực tế việc chơi hụi vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị. Hụi ban đầu có ý nghĩa tích cực, nhưng lâu dần càng biến tướng, trở thành nơi không ít người lợi dụng để lừa đảo chiếm dụng vốn. Chơi hụi bằng lòng tin, thậm chí nhiều người còn không biết những ai cùng chơi với mình. Chủ hụi nói sao nghe vậy, và cứ thế góp tiền. Chính vì quá dễ dàng như thế, dẫn đến tâm lý của nhiều chủ hụi bắt đầu nảy sinh ý định lừa đảo để chiếm dụng rồi bỏ trốn. Trước đây, pháp luật không có quy định về hụi nên khi vỡ hụi xảy ra không được pháp luật xử lý mà những người tham gia chơi hụi tự giải quyết với nhau, dẫn đến gây mất đoàn kết, thậm chí ẩu đả gây thương tích, xảy ra án mạng, làm mất an ninh trật tự. Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 về họ, hụi, biêu, phường. Khi tình trạng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, vỡ hụi xảy ra, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, điều tra, xử lý.
Những vụ vỡ hụi xảy ra trên địa bàn tỉnh vừa qua thêm một lần nữa cảnh báo cho người dân, đừng ham lãi suất cao mà bị lợi dụng bởi việc chơi hụi trên thực tế chỉ kết nối với nhau bằng “tín chấp”. Người chơi góp vốn với nhau bằng niềm tin, chứ không có tài sản bảo đảm, thậm chí trong một số trường hợp các thành viên còn không biết mặt nhau nên khi các chủ hụi tuyên bố vỡ nợ thì chỉ người chơi là phải gánh chịu mọi hậu quả. Bởi vậy, mỗi người cần phải tỉnh táo và có cách để bảo vệ tài sản của riêng mình.