Lợi ích của học bạ điện tử
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:19, 03/11/2023
Thầy Huỳnh Quốc Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Với đặc thù là trường học có quy mô nhỏ của tỉnh, đóng trên địa bàn xã khó khăn, toàn trường có 510 học sinh/13 lớp. Năm học 2022-2023 nhà trường được Sở GD&ĐT chọn để thí điểm học bạ điện tử đối với khối lớp 10 thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai học bạ điện tử, từ việc nâng cao nhận thức của đội ngũ về chuyển đổi số, khuyến khích giáo viên, nhân viên nâng cao trình độ tin học đến đôn đốc tất cả các thành viên có liên quan hoàn thành các phần việc sớm nhất có thể. Cùng với đó, bố trí kinh phí phù hợp, tăng cường xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số. Thường xuyên trao đổi với VNPT địa phương để được hỗ trợ kỹ thuật.
Quy trình thực hiện học bạ điện tử là giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện thông tin học sinh trong học bạ trên Vnedu (kết chuyển từ hồ sơ học sinh). Giáo viên bộ môn hoàn thành con điểm, nhận xét trên Vnedu. Nhà trường tổ chức kiểm tra thông tin học sinh, con điểm (điều chỉnh sai sót nếu có) vì sau khi phê duyệt học bạ thì không thể điều chỉnh được. Tiếp theo, giáo viên bộ môn tiến hành ký số xác nhận con điểm. Giáo viên chủ nhiệm nhận xét và ký số học bạ. Hiệu trưởng phê duyệt và ký số học bạ. Đóng dấu, lưu trữ và in ấn lúc cần. Ngoài việc lưu trữ trên hệ thống Vnedu thì nhà trường còn lưu trữ file mền trên Office 365.
Theo thầy Tuấn, ưu điểm khi thực hiện học bạ điện tử là giảm áp lực sổ sách, tiết kiệm thời gian cho giáo viên và nhà trường. Bởi giáo viên không cần ghi các thông tin trên học bạ. Việc phê duyệt và ký có thể thực hiện cho cả lớp sau một lần thực hiện thao tác phê duyệt và ký. Học bạ điện tử mang lại tiện lợi, linh động, có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc (cần có thiết bị thông minh và kết nối mạng). Nhanh chóng, rõ ràng, sạch, đẹp vì không có lỗi sai con điểm, sửa chữa. Về hiệu quả kinh tế, không tốn kinh phí mua học bạ giấy. Lưu trữ lâu dài, an toàn, dễ dàng trích xuất lúc cần. Cuối khóa học ngoài việc in ra học bạ giấy phát cho học sinh thì nhà trường có thể cấp thêm cho học sinh một file mềm học bạ điện tử (học sinh có thể tự in ra lúc cần mà không phải đến trường).
Tuy nhiên, hạn chế của học bạ điện tử là các form thiết kế chưa khoa học, chữ ký khi đưa vào nhỏ, mờ. Mặt khác, khi có học sinh chuyển trường đến những trường chưa sử dụng học bạ điện tử thì nhà trường phải in học bạ (từng năm học) nộp cho trường mới, tuy nhiên mẫu sẽ khác với học bạ giấy nên khó khăn trong việc thiết lập học bạ cho các năm tiếp theo. Nhà trường kiến nghị Sở GD&ĐT tiếp tục cho chủ trương triển khai các hồ sơ điện tử khác như sổ đăng bộ, sổ theo dõi đánh giá học sinh, kế hoạch giảng dạy, sổ đầu bài... Đồng thời, VNPT cần nâng cấp tính bảo mật, phân quyền hợp lý hơn. Cập nhật tính năng kết chuyển học bạ điện tử giữa các trường để thuận tiện cho việc học sinh chuyển trường…
Với những hiệu quả tiện ích của học bạ điện tử, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục áp dụng học bạ điện tử trong năm học 2023-2024 đối với khối lớp 11. Theo đó, Sở GD&ĐT cũng đã nhân rộng mô hình học bạ điện tử trong toàn ngành và tất cả các cấp học trong năm học 2023-2024.
Học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác thực của người và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý và có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số.