Chỉ vì cái điện thoại

Đời sống - Ngày đăng : 05:43, 03/11/2023

Hai hôm nay Bin đóng cửa tự nhốt mình trong phòng mặc cho cha mẹ dọa nạt đủ kiểu cũng không chịu mở cửa. Tới bữa ăn mẹ phải để sẵn phần cơm trước cửa phòng, khi nào Bin đói tự mở cửa lấy ăn.

Nguyên nhân của cuộc chiến tranh lạnh giữa Bin và mẹ chính là do mẹ đã tịch thu điện thoại của Bin. Không phải vì Bin nhắn tin yêu đương gì dù cậu cũng đã mười bốn, cái tuổi bắt đầu biết để ý bạn khác giới. Chỉ là vì cậu nghiện game quá, suốt ngày ngoài giờ đi học là chúi đầu vào điện thoại để chơi game, mới tháng trước mẹ phải dẫn Bin đi thay kính mới vì tăng độ nhiều không thấy đường. Nguyên nhân thứ hai là bài kiểm tra toán ăn con năm. Mẹ sốc trước kết quả “tệ ơi là tệ” của đứa con trai cưng nên tức giận tịch thu điện thoại vì mẹ cho rằng Bin học hành sa sút là do nghiện game. Bin phản ứng lại bằng việc tự nhốt mình, không thèm nhìn mặt hai đấng sinh thành. Ba mẹ Bin rất tức giận nhưng không biết làm sao để trị thằng con đang tuổi dở dở ương ương, làm quá sợ có chuyện không hay còn xuống nước năn nỉ thì sợ nó được đà trèo lên đầu.

2009755.jpg

Thật ra việc con cái nghiện điện thoại không phải là trường hợp riêng của gia đình nào cả. Hiện nay, trẻ con rất ghiền điện thoại, ngay cả những đứa trẻ mới được vài tháng tuổi. Tới khi cha mẹ muốn “cai nghiện” điện thoại cho con thì mới nhận ra khó khăn nhiều hơn mình nghĩ và vấp phải phản ứng thái quá của con như trường hợp cậu bạn Bin vừa kể ở trên.

Vậy làm sao để “cai” nghiện điện thoại cho con hiệu quả? Muốn trả lời ta phải hiểu nguyên nhân hình thành thói quen dùng điện thoại ở trẻ, có như vậy mới trị tận gốc được.

Hầu như cha mẹ nào cũng thường quẳng điện thoại cho con khi con còn nhỏ để dụ cho đứa trẻ ngồi yên, chịu ăn hoặc nín khóc. Trẻ em luôn bị hấp dẫn bởi những gì mới lạ, những bộ phim hoạt hình, video trên youtube luôn là đam mê của mỗi đứa trẻ. Chúng nhảy, chúng hát, bắt chước làm theo các nhân vật ngộ nghĩnh được coi trên mạng. Cha mẹ thấy con như vậy thì lại càng thích thú, nghĩ rằng việc cho con xem điện thoại cũng là một cách giáo dục con. Thế là cha mẹ ngầm thỏa thuận cho con sử dụng điện thoại. Lâu ngày thành thói quen. Nhưng trẻ càng lớn càng giảm dần thích thú với các video mang nội dung học tập, chúng thích những gì là lạ, những gì cuộc sống hàng ngày khó có thể thực hiện được, ví dụ sử dụng những từ ngữ mới, cách ăn nói mới, rồi những trò chơi game… Thế là trẻ sa vào các video trên tiktok có nội dung không mấy lành mạnh mà cha mẹ không thể kiểm soát được hết. Điều này vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng tới cách suy nghĩ, hành động của giới trẻ.

Vậy làm sao để cai nghiện điện thoại cho con? Sau đây là một số gợi ý:

Giải thích cho con nghe lợi ích và tác hại của điện thoại

Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu rõ bên cạnh những lợi ích thì điện thoại cũng gây ra những tác hại cho con người như ảnh hưởng đến mắt, não bộ, và ảnh hưởng việc học tập của con. Khi con nhận thức được tác hại của điện thoại con sẽ tự ý thức được việc sử dụng điện thoại quá nhiều là không tốt và dễ chấp thuận với điều kiện ba mẹ đưa ra hơn.

Thỏa thuận thời gian sử dụng điện thoại trong ngày

Cha mẹ đột ngột cấm tuyệt đối con không được sử dụng điện thoại một cách đột ngột sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực ở trẻ. Thay vì vậy có thể thỏa thuận với con thời gian sử dụng điện thoại trong ngày, phạt khi trẻ không thực hiện đúng thỏa thuận, khen khi trẻ thực hiện tốt thỏa thuận. Song song với đó, cha mẹ nên dành thời gian để chơi với con, cho con tham gia nhiều hoạt động ngoài trời để con hạn chế sử dụng điện thoại.

Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu lên con

Cuối cùng cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu lên con, vì vậy hãy làm gương cho con noi theo. Việc cha mẹ sử dụng điện thoại suốt ngày sẽ làm cho con ngầm hiểu rằng sử dụng điện thoại là không xấu và ai cũng có quyền được sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi. Cha mẹ muốn từ bỏ điện thoại thì trước tiên mình phải làm gương cho con cái, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, nhất là dành thời gian để chơi và trò chuyện cùng con. Hãy tập thói quen không sử dụng điện thoại trước mặt con, có như vậy mới giáo dục được con từ bỏ điện thoại được.

Giáo dục con cái là một hành trình dài cần có sự kiên nhẫn. Đôi khi chúng ta chủ quan vô tình tập cho con những thói quen chưa tốt, trong đó có việc sử dụng điện thoại quá nhiều giờ trong ngày. Thời đại 4.0, con người cần tiếp cận với những thiết bị công nghệ nhưng không nên lạm dụng quá mức. Nhất là con cái còn nhỏ chưa nhận thức hết được mặt tiêu cực của mạng internet, trong đó có các trang mạng xã hội. Nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra cũng do nói xấu nhau trên mạng xã hội. Làm cha mẹ nên dành thời gian để tìm hiểu cuộc sống của con, mối quan hệ của con và nên thường xuyên giáo dục để con suy nghĩ đúng đắn, tích cực, phát triển bản thân ngày càng tốt hơn.

Phan Trúc