Xung quanh việc lựa chọn sách giáo khoa tại trường

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:32, 03/11/2023

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Nếu Thông tư này được thông qua, sẽ thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Và rất có thể, chỉ năm học 2024-2025, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 1 Hội đồng bình chọn sách.

sach-giao-khoa.jpg

Dự thảo quy định, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

4 năm thay sách, 3 lần thay đổi quy định

Lần thứ nhất: Quyền chọn sách giáo khoa cho thuộc về các cơ sở giáo dục.

Năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01 Bộ GD-ĐT ngày 30/1/2020, giao quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi trường thành lập một hội đồng chọn sách dưới sự điều hành của hiệu trưởng.

Hội đồng có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục. Thông tư này áp dụng được một năm học.

Lần thứ hai: Quyền chọn sách giáo khoa cho thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngày 26/8/2020, Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành Thông tư số 25 thay thế Thông tư 01 về lựa chọn sách giáo khoa. Điều thay đổi lớn nhất lần này là hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa thay vì giao cho mỗi nhà trường như Thông tư 01 trước đây.

Lần thứ ba: Nếu dự thảo mới đây sẽ được thông qua thì quyền lựa chọn sách giáo khoa sẽ thuộc cơ sở giáo dục.

Dự thảo quy định, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 1 Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.

Một địa bàn nhiều bộ sách giáo khoa lập lại

Năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Lớp 1 cũng là khối lớp đầu tiên học thay sách. Theo quy định của Thông tư số 01 Bộ GD-ĐT ngày 30/1/2020 lúc đó, quyền chọn lựa sách giáo khoa thuộc nhà trường.

Thế là, có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được đưa vào nghiên cứu cả 5 bộ sách đều được các trường học lựa chọn. Dẫn đến, chỉ trong một địa bàn, thậm chí 2 trường cách nhau khoảng hơn cây số nhưng lại chọn 2 bộ sách giáo khoa khác nhau.

Việc cùng một địa phương có nhiều bộ sách giáo khoa đã dẫn đến một số khó khăn, bất cập. Đó là khó khăn cho việc chỉ đạo và sinh hoạt chuyên môn. Khó khăn cho những lần tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi khi ở trường giảng dạy bộ sách khác, khi thi lại giảng dạy theo bộ sách khác.

Khó khăn cho phụ huynh đi mua sách cho con vì có trường chọn mỗi bộ sách giáo khoa vài cuốn. Một số nơi bán không dám nhập sách về vì sợ bán không hết để tồn sang năm nếu tiếp tục thay đổi sách sẽ không biết bán cho ai.

Việc có nhiều bộ sách trong cùng một địa bàn cũng khó khăn cho học sinh khi chuyển trường phải mua thêm bộ sách mới. Điều này, không chỉ tốn kém về tiền bạc mà còn khó khăn cho việc học những kiến thức tiếp theo. Bởi, kiến thức của bộ sách này đã học xong ở học kỳ I nhưng có bộ sách lại dạy kiến thức ấy ở học kỳ II.

Điểm tích cực khi dùng chung một bộ sách

Từ năm học 2021-2022, khi quyền chọn sách giáo khoa thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh thì trong toàn tỉnh Bình Thuận gần như đều học chung một bộ sách Chân trời sáng tạo.

Điều này đã đem đến khá nhiều điều tích cực, đã khắc phục được những bất cập khi quyền lựa chọn sách giáo khoa thuộc các cơ sở giáo dục trước đây. Đó là việc chỉ đạo chuyên môn kịp thời hơn. Học sinh được sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Việc mua sách giáo khoa cũng dễ dàng hơn, đặc biệt mỗi lần chuyển trường (trong địa bàn tỉnh) các em học sinh cũng hòa nhập vào việc học một cách nhanh chóng.

Học sinh đã sử dụng sách giáo khoa mới sang năm thứ 4 và không bao giờ muốn sách giáo khoa tiếp tục thay giữa chừng. Sợ rằng, khi có quyền lựa chọn sách trong tay, trường học lại tiếp tục lựa chọn sách thay thế. Như vậy, bất cập sẽ nối tiếp bất cập, những bộ sách giáo khoa sẽ liên tục bị thay thế.

Phan Tuyết