Chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức phải thành lập tổ chức kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 18:52, 03/11/2023

BTO-Chiều nay 3/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung nhiều quy định mới nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai.

z4845419858521_83dd5fa2ca5e9f89de6c9d89222a01c8.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông thảo luận tại hội trường chiều nay 3/11. 

Tham gia ý kiến về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Điều 28, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đồng ý với phương án 2. Lý do là cần quy định cụ thể trong luật để tránh thực tế áp dụng có nhiều cách hiểu khác nhau ở các cơ quan hành chính địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất phương án 3. Theo đại biểu, hiện nay, việc khuyến khích đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển Cánh đồng lớn. Việc làm đất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đã cơ giới hóa gần 100%, sử dụng phương tiện bay để bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khá phổ biến,… Vì vậy, quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức tại khoản 1 Điều 177 phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với xu thế phát triển cơ giới hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, canh tác cây lúa hiện nay; tạo điều kiện phát triển Cánh đồng lớn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân có độ tuổi trên 50 được chuyển nhượng thuận tiện hơn hoặc chuyển đổi nghề bảo đảm cuộc sống.

Tại Điều 79 - Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cụ thể khoản 15, đối với cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội; cơ sở giáo dục, đào tạo ở khoản 16; cơ sở thể dục thể thao ở khoản 17; cơ sở khoa học và công nghệ ở khoản 18; đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất với việc Nhà nước thu hồi đất cho các dự án công trình sử dụng vốn Nhà nước; đối với những dự án công trình có nguồn vốn tư nhân thì xem xét lại. Đại biểu thống nhất với chủ trương Nhà nước khuyến khích phát triển y tế, giáo dục, thể thao hay cơ sở khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên đại biểu cho rằng cần xem lại các dự án công trình trên có xuất phát từ lợi ích cộng đồng, đa số người dân không, có vì mục tiêu lợi nhuận hay không, cần khuyến khích hay không. “Chúng ta không thể thu hồi đất để cho tư nhân, doanh nghiệp xây dựng sân golf trong lĩnh vực thể dục thể thao, hay lĩnh vực y tế: thu hồi đất xây dựng bệnh viện thẩm mỹ, bệnh viện kỹ thuật cao cho một số bộ phận người dân cụ thể. Do vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh, thiết kế điều trên cho phù hợp và đúng chủ trương của Nghị quyết 18; tránh lợi dụng để trục lợi và thực tế hiện nay trên 70% người dân khiếu kiện về đất đai cũng xuất phát từ yếu tố này” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị.

Góp ý cụ thể tại khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87 - Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất với các quy định của dự án Luật và đề nghị bổ sung quy định về “bố trí tạm cư, chi trả kinh phí tạm cư cho người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất” nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai.

Mặt khác, đại biểu đề nghị nghiên cứu lại khoản 5 Điều 136 dự thảo Luật vì nội dung này chưa rõ và khá rối. Trong đó đề nghị làm rõ mục đích quy định của đoạn “việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên giấy chứng nhận do thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Theo đại biểu, quy định như dự thảo chưa rõ thời điểm được tính là thành viên trong hộ gia đình để các thành viên ghi vào giấy chứng nhận và việc thỏa thuận này không biết căn cứ vào đâu, quy định như dự thảo nếu không rõ sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình.

Tại Điều 139 - Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất phương án 2. “Chúng ta cần tạo điều kiện công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân, giải phóng nguồn lực đất đai lâu nay bị vướng vì vấn đề này để đưa vào kinh doanh, sản xuất. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này một cách căn bản, đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho đối tượng này” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị.

T.HÀ