Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu
Quốc tế - Ngày đăng : 08:12, 05/11/2023
Trước đó, vào 3/11 ba bên đã gặp gỡ tại thành phố Nagoya của Nhật Bản để chuẩn bị cho khai mạc phiên họp giữa các bộ trưởng môi trường. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Ito Shintaro nhấn mạnh, sự an toàn của việc xả nước thải đã qua xử lý và pha loãng từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển.
Ông Ito cho biết, các phân tích chi tiết về mẫu nước cho thấy nồng độ tritium thấp hơn nhiều so mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới để trở về nước uống an toàn. “Chúng tôi xác nhận rằng không có tác động nào đến con người và môi trường” Ông nói thêm.
Bộ Trưởng Sinh Thái và Môi trường Trung Quốc Huang Runqiu kêu gọi “tham vấn kỹ lưỡng với các bên liên quan khác, đặc biệt là các nước láng giềng về việc xử lý nước thải này một cách có trách nhiệm”. Trong một tuyên bố chung, các Bộ trưởng khẳng định họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Họ đồng ý nhất trí hợp tác về các vấn đề toàn cầu và bảo vệ môi trường biển trong khuôn khổ được thiết kế để giải quyết các vấn đề chung với các nước liên quan.
Các Bộ trưởng cũng tán thành việc đẩy mạnh hợp tác ba bên cho các cuộc gặp gỡ lớn chuyên về môi trường, trong đó có Hội nghị khí hậu COP 28 sắp tới của Liên Hiệp Quốc.
Sau phiên họp, Ito bày tỏ cuộc gặp giữa ông và 2 người đồng cấp Hàn Quốc và Trung Quốc đã mang lại kết quả đáng kể khi ông có thể trực tiếp trao đổi ý kiến thẳng thắn với các bộ trưởng Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng thời, ông lưu ý việc mình đã giải thích với các Bộ trưởng về cam kết Nhật Bản cung cấp cho cộng đồng quốc tế thông tin một cách minh bạch.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã trải qua 3 sự cố trong trận động đất và sóng thần năm 2011. Kể từ đó, nước dùng để làm mát nhiên liệu nóng chảy tại nhà máy bị trộn lẫn với mưa và nước ngầm, khối lượng ngày càng tích tụ. Lượng nước này được xử lý để loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ nhưng vẫn chứa tritium.
Trước khi xả ra ngoài đại dương, Daiichi pha loãng nước đã qua xử lý để giảm mức tritium xuống tỷ lệ bằng 1/7 hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về nước uống. Nước sau đó sẽ được chuyển qua một đường hầm dưới đáy biển và thải ra ngoài khơi cách bờ biển 1km.
Vòng đầu tiên của quá trình này sẽ mất khoảng 17 ngày, bao gồm việc giải phóng khoảng 7.800 tấn nước đã qua xử lý. Toàn bộ quá trình xử lý để đóng cửa nhà máy dự kiến sẽ mất ít nhất 30 năm.
Nhật Bản vẫn khẳng định rằng việc xả nước là an toàn, bất chấp những chỉ trích và lệnh cấm nhập khẩu thủy hải sản của các nước trong khu vực. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng bật đèn xanh cho kế hoạch và cho rằng tác động đối với con người và môi trường là “không đáng kể”.