Để Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:30, 06/11/2023

Đề án Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ phát triển du lịch, hướng đến đưa Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, có sức thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài nước vừa được tỉnh phê duyệt.

Đề án nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm và tham quan, khám phá, trải nghiệm của du khách. Lễ hội Katê hàng năm tại các đền, tháp, nhà làng cần duy trì tổ chức cả phần lễ và phần hội. Phần lễ với đầy đủ các nghi thức và cách thức hành lễ theo tập tục truyền thống của cộng đồng, phần hội cần chú trọng duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian, các môn thi đấu thể thao phù hợp với truyền thống văn hóa địa phương.

z4850708877950_305a15d1424055d0c812f44e4a1e877b.jpg

Lễ hội Katê hàng năm tại các đền, tháp diễn ra trong 2 ngày (ngày cuối cùng tháng 6 và ngày đầu tiên tháng 7 Chăm lịch); riêng Lễ hội Katê tại đền thờ Pô Tằm (huyện Hàm Thuận Bắc) diễn ra vào ngày 15, 16/9 âm lịch hàng năm (khoảng giữa tháng 7 Chăm lịch). Sau khi Lễ hội Katê tại các đền, tháp kết thúc, người Chăm Bàlamôn tổ chức Lễ hội Katê tại nhà làng và sau đó cúng Lễ Katê tại gia đình. Địa điểm tổ chức (cả phần lễ và phần hội) diễn ra tại các đền, tháp, nhà làng và gia đình người Chăm Bàlamôn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết.

Nội dung tổ chức Lễ hội Katê, chú trọng bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt, độc đáo. Phần lễ phải giữ gìn không gian, thời gian diễn ra lễ hội; đối tượng thờ cúng, lễ vật dâng cúng, thành phần tham gia cúng lễ; trình tự, cách thức, thực hành các nghi lễ, nội dung lời khấn, các bài thánh ca trong từng nghi lễ của các chức sắc tham gia hành lễ cho đến trang phục truyền thống của các chức sắc, phụ nữ, thanh niên, thiếu nữ Chăm khi tham gia lễ hội.

Phần hội phải duy trì và nâng tầm các hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian, các môn thi đấu thể thao mang tính truyền thống của cộng đồng như: Trưng bày lễ vật trên Thônla, thổi kèn Saranai, trình diễn nghề thủ công truyền thống (làm gốm, dệt thổ cẩm, làm bánh gừng…); trình diễn các làn điệu dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc); đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, kéo co, bóng đá, bóng chuyền… tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp và hấp dẫn, có sức thu hút đông đảo cộng đồng người Chăm, nhân dân và du khách.

Chủ thể tổ chức Lễ hội Katê là các chức sắc, tu sĩ, trí thức, nghệ nhân và cộng đồng người Chăm Bàlamôn tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Việc tổ chức (kế hoạch, nội dung, chương trình, thời gian…) Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận hàng năm gồm 2 cách thức là lễ hội diễn ra tại các đền, tháp, nhà làng trên địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc; Lễ hội Katê diễn ra tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết)…

Hồng Châu