Đẩy mạnh phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”

Đời sống - Ngày đăng : 05:14, 07/11/2023

Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo" đang được đẩy mạnh thực hiện trên địa bàn tỉnh hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Phát động sâu rộng phong trào

Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo" (gọi phong trào) được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai trong toàn quốc từ năm 1999, các nội dung phong trào được triển khai gắn với các tiêu chí xây dựng "Gia đình văn hóa" trong Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay gọi là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban đại diện Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Tỉnh đoàn đã ban hành Kế hoạch và tổ chức lễ phát động triển khai phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Sau khi phong trào được phát động, hiện nay đã có 9/10 huyện, thị xã, thành phố triển khai, gắn với nhiệm vụ chính trị và để duy trì, phát triển mạnh trong cuộc sống của nhân dân.

bd455b65-3f4f-42c8-8ed0-611890bd035d.jpeg
Hội nghị tọa đàm giải pháp đẩy mạnh phong trào tại huyện Hàm Thuận Nam

Để làm tiền đề phát triển phong trào trong thời gian đến, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban đại diện Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Tỉnh đoàn đã tổ chức tọa đàm giải pháp đẩy mạnh phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo đó, các địa phương đã đưa ra những cách làm hay, hiệu quả, chỉ rõ mặt hạn chế của đơn vị, địa phương trong công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi và nhân dân gắn với các phong trào, các cuộc vận động mà tổ chức Mặt trận, Hội, Đoàn thể triển khai. Đồng thời hiến kế, đề ra các giải pháp để phong trào được triển khai hiệu quả và đi vào cuộc sống của nhân dân. Điển hình, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con, cháu hiếu thảo” tại thị xã La Gi, hàng năm số lượng gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH) đều tăng so với năm trước. Năm 2023, có 27.320/27.350 hộ đăng ký GĐVH đạt 99,89%; 65/65 thôn, khu phố đăng ký danh hiệu thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh, có 4/4 xã và 5/5 phường duy trì đăng ký phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua thực hiện các tiêu chí của phong trào xây dựng GĐVH, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với cộng đồng xã hội ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn, xuất hiện ngày càng nhiều hộ GĐVH tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo… Còn Hội Người cao tuổi Hàm Thuận Nam cho biết, qua theo dõi hàng năm phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” từ năm 2018 đến năm 2022 có tổng số gia đình người cao tuổi đạt gia đình nếp sống văn minh, gia đình văn hóa từ 90 – 95%. Riêng người cao tuổi ở Hàm Thuận Nam có rất nhiều gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực và có con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ…

Đưa phong trào đi vào chiều sâu

Bà Trần Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Trong điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Trong đó, có thế hệ người cao tuổi với phương châm “Sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc” góp phần giáo dục thế hệ trẻ hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận thanh thiếu niên và người dân vẫn còn chạy theo lối sống thực dụng, đua đòi, vợ chồng, anh em xảy ra mâu thuẫn. Một bộ phận thanh thiếu niên có lối sống buông thả, nhận thức về những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam còn hạn chế, suy thoái về đạo đức, đối xử với ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi không đúng mực; tình trạng ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ còn xảy ra.

Tại các buổi tọa đàm vừa qua, các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp đưa phong trào ngày càng phát triển mạnh, lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó, cần chú trọng giải pháp đổi mới công tác truyền thông và đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác gia đình, chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội đến các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của chính quyền địa phương, hệ thống Mặt trận, các đoàn thể trong thực hiện hiệu quả phong trào. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình điểm về xây dựng thôn văn hóa gắn với các phong trào, các cuộc vận động; quan tâm biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức lối sống và trong thực hiện các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa…

Thanh Thuỷ