Xuất khẩu hàng hóa khó “về đích”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:14, 08/11/2023

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận trong những tháng gần đây dù thể hiện mức tăng khá so cùng kỳ năm ngoái, song dự báo vẫn rất khó “về đích” như kỳ vọng…

Dẫn chứng là trong tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt hơn 66 triệu USD (tăng 16,4% so cùng kỳ), còn tháng 10 ước đạt gần 70 triệu USD (tăng 30,64% so cùng kỳ năm 2022). Ghi nhận trong tháng 10 vừa qua, hoạt động xuất khẩu cũng cho thấy tín hiệu lạc quan với mức tăng trưởng dương ở tất cả các nhóm hàng chủ lực nếu so tháng trước đó. Cụ thể, nhóm hàng thủy sản ước đạt 18,98 triệu USD (tăng 6,97%), nhóm hàng nông sản thực hiện 0,95 triệu USD (tăng 9,27%) và nhóm hàng hóa khác đạt khoảng 49,96 triệu USD (tăng 11,5%)…

img_0038.jpg
May mặc - sản phẩm đóng góp kim ngạch đáng kể trong xuất khẩu hàng hóa của địa phương (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, tính chung 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận ước chỉ đạt 590,24 triệu USD, giảm 9,11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhóm hàng thủy sản tham gia xuất khẩu đem về cho địa phương khoảng 173,19 triệu USD (giảm 19,32%), nhóm hàng nông sản đóng góp 11,68 triệu USD (tăng 26,65%), còn nhóm hàng hóa khác ước thực hiện đạt 405,37 triệu USD (giảm 4,73%)… Được biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh giảm là do thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn và thị trường nhiều nước đang thắt chặt chi tiêu. Trong khi tại địa phương, một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm hàng thủy sản và hàng hóa khác lại thiếu đơn hàng, vì vậy ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Thế nên, mặc dù kim ngạch của nhóm hàng nông sản có tăng nhưng do chiếm tỷ trọng không cao trong tổng kim ngạch so với hai nhóm hàng “đầu tàu” (thủy sản và hàng hóa khác) nên ít tác động đến sự tăng trưởng chung.

Đối với xuất khẩu trực tiếp, từ đầu năm đến nay hàng hóa của tỉnh xuất sang châu Á ước đạt 428,41 triệu USD, tăng 3,34% so cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tại châu Âu lại giảm 43,69% (ước đạt 37,48 triệu USD) và châu Mỹ giảm 31,25% (đạt gần 108 triệu USD). Hiện có một số thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của Bình Thuận như: Nhật Bản (mặt hàng chủ yếu là tôm, cá, thủy sản khác, dệt may...), Đài Loan (bộ quần áo, thủy sản...). Hay như với thị trường Mỹ chủ yếu là mặt hàng giày dép, tôm thẻ... còn thị trường Trung Quốc gồm sản phẩm tôm, giày dép, các loại quặng...

Gần đây, tình hình xuất khẩu hàng hóa dần khởi sắc trở lại và tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận cho thấy sau những tháng đầu năm khó khăn thì hiện nay hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã ổn định, lượng đơn hàng có tăng hơn trước mà nhất là với sản phẩm may mặc, gỗ, da giày… Mặc dù vậy, thời gian còn lại không còn nhiều nên kết quả xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tính chung cả năm 2023 rất khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra và ước thực hiện đạt 714,4 triệu USD, giảm 8,59% so năm ngoái. Trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, năm nay nhóm hàng thủy sản khả năng chỉ đóng góp khoảng 210 triệu USD (giảm hơn 16% so cùng kỳ), nhóm hàng nông sản ước đạt 14,4 triệu USD (tăng hơn 11%, riêng mặt hàng thanh long xuất khẩu có thể đem về 8,6 triệu USD, tăng 11,41%), nhóm hàng hóa khác ước thực hiện 490 triệu USD (giảm 5,49%).

Thời gian tới, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng nhằm xuất khẩu sản phẩm lợi thế của Bình Thuận đem lại hiệu quả. Trong đó chú trọng chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch các mặt hàng nông sản, nhất là thanh long sang hình thức xuất khẩu chính ngạch. Đối với ngành chức năng sẽ tiếp tục làm việc với những đơn vị có hoạt động xuất nhập khẩu để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và kịp thời đề xuất các cấp thẩm quyền hỗ trợ giải quyết giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, kết nối, mở rộng thị trường… Qua đó hướng đến đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận giữ được mức tăng trưởng dương, phấn đấu thực hiện vượt con số hơn 790 triệu USD trong năm 2024.

Kế hoạch năm 2023 đề ra chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa của tỉnh phấn đấu đạt kim ngạch 819 triệu USD, trong đó: Nhóm hàng thủy sản thực hiện 260 triệu USD, nhóm hàng nông sản đem về 16 triệu USD và nhóm hàng hóa khác là 543 triệu USD (riêng hàng may mặc đóng góp 276,7 triệu USD, giày dép các loại là 81,2 triệu USD…).

Đ.QUỐC