Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 10:12, 09/11/2023
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương và 73 điều. Nội dung Luật tập trung vào 5 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm: Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.
Góp ý cụ thể Điều 2 về giải thích từ ngữ, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến nêu rõ tại khoản 2 có khái niệm về động viên công nghiệp. Tại khoản 18, khoản 19 - Điều 2 có quy định về chuẩn bị động viên công nghiệp và thực hành động viên công nghiệp. Với khái niệm được nêu rõ về động viên công nghiệp đối với khoản 18 và 19, đại biểu cho rằng nên sử dụng luôn khái niệm của động viên công nghiệp mà không cần phải nhắc lại. Có thể thể hiện khái niệm giải thích từ ngữ của chuẩn bị động viên công nghiệp là việc thực hiện các biện pháp để sẵn sàng cho việc động viên công nghiệp trong thời bình. Đối với thực hành động viên công nghiệp là việc thực hiện các biện pháp để động viên công nghiệp trong tình trạng chiến tranh. Như vậy sẽ thể hiện được rõ đối với 2 hoạt động liên quan đến chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.
Mặt khác, mặc dù đã đưa ra giải thích từ ngữ tại khoản 2, Điều 2, tuy nhiên tại khoản 3, Điều 3 lại tiếp tục đưa ra khái niệm về động viên công nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị tại khái niệm của khoản 2, Điều 2 có thể gộp luôn nội dung này vào. Cụ thể: “Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, huy động một phần... dân quân tự vệ được chuẩn bị từ thời bình và thực hành động viên khi có lệnh tổng động viên cục bộ và trong tình trạng chiến tranh".
Liên quan đến vấn đề về quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, tại khoản 1 và 2 - Điều 9, đại biểu cho rằng thể hiện bị lặp ý trong việc trình bày. Đại biểu đề xuất nên gộp khoản 1, khoản 2 lại như sau: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh cho cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh sau đây gọi là cơ quan lập quy hoạch”.