Khi chuyện “khó nói” lên diễn đàn Quốc hội

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:24, 10/11/2023

Dẫu biết rằng “tiểu đường” vừa mất mỹ quan, ảnh hưởng môi trường, lại gây nguy hiểm vì phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng nhiều xe lưu thông trên cao tốc hiện nay không còn cách nào khác phải tấp vào làn dừng khẩn cấp, để cho tài xế và hành khách giải quyết "nỗi buồn”.

Có người lái xe từ Dầu Giây ra Vĩnh Hảo, nhưng phải rẽ vào Phan Thiết nghỉ ngơi, vệ sinh rồi quay ngược lại vào cao tốc để đi Vĩnh Hảo, vì suốt 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây dài 200 km không hề có trạm dừng nghỉ nào.

z4854431674779_29a9838cb35657146085f2a66376e9e0.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Tất cả các tuyến cao tốc dài 750 km mới đưa vào hoạt động từ năm 2019 đến nay đều chưa có trạm dừng. Cả 4 đoạn tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác năm nay như: Mai Sơn - QL45 (60km), Nha Trang - Cam Lâm (50km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100km), Phan Thiết - Dầu Giây (99km), đều không có trạm dừng nghỉ.

Điển hình như tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo hơn 250 km, chỉ duy nhất có một trạm dừng nghỉ ở Km 41 nên quá tải, có lúc hàng ngàn xe các loại vào dừng chân, khách phải xếp hàng dài mất cả nửa giờ để đi vệ sinh!

Ngoài chuyện “khó nói” trên, việc không có trạm dừng khiến tài xế không có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, tiếp xăng dầu, kiểm tra xe (hay sạc nhanh cho xe điện)…

Trạm dừng nghỉ đáng lẽ phải đưa vào hoạt động đồng bộ, cùng lúc với đường cao tốc, nhưng đến nay mới có trên giấy (quy hoạch), và chưa biết bao giờ mới có?

Chính vì vậy, tuần qua, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT về việc tuyến cao tốc qua Bình Thuận dài 200 km, đã đưa vào khai thác nhưng chưa bố trí trạm dừng chân. Người dân lưu thông trên cao tốc này không biết phải giải quyết “nỗi buồn” như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào mới có trạm dừng chân trên cao tốc này?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ GT-VT nhận trách nhiệm chậm trễ triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ và “mong bà con thông cảm”, đồng thời cho biết hiện nay đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, 9 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 đang trong quá trình triển khai, sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024.

Như vậy theo Bộ trưởng, sang năm 2024 tuyến cao tốc qua Bình Thuận (và nhiều cao tốc khác nữa) sẽ có trạm dừng nghỉ, người dân không còn phải “tiểu đường” bất đắc dĩ. Còn nhớ, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 ngày 7/6/2023, Bộ trưởng Bộ GT-VT cũng đã thừa nhận tiến độ xây dựng các trạm dừng nghỉ trên cao tốc đang bị chậm, và cơ quan chức năng đang cố gắng làm bù. Hy vọng sẽ không “quá tam ba bận”, tới kỳ họp Quốc hội sang năm, Bộ trưởng sẽ không phải trả lời chất vấn chuyện này và "mong bà con thông cảm" một lần nữa.

Liên quan đến các bất cập của nhiều tuyến cao tốc, trả lời chất vấn vì sao nhiều đường cao tốc đưa vào khai thác chỉ cho phép tối đa 80 km/h? Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết: Sau khi rà soát tiêu chuẩn, dự kiến đầu năm tới, Bộ sẽ nâng tốc độ giới hạn các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h.

Người dân chắc chắn sẽ ủng hộ việc nâng cao tốc 2 làn xe lên 90 km/h, vì không lý do gì mà đường cao tốc lại có tốc độ cho phép thấp hơn đường quốc lộ, vốn có nhiều đường giao cắt, nhiều xe máy, người đi bộ cùng lưu thông.

KHÔI NGUYÊN