Gặp gỡ nông dân Bình Thuận tiêu biểu toàn quốc năm 2023

Kinh tế - Ngày đăng : 05:20, 10/11/2023

Vừa trở về từ thủ đô Hà Nội trong chuyến tham dự “Lễ tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc và 63 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023”, nông dân Đinh Xuân Đào (SN 1970), xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc gặp gỡ chúng tôi tại trang trại thanh long rộng lớn của gia đình ngay dưới chân núi Tà Zôn để chia sẻ niềm vui sau nhiều năm nỗ lực…

Nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương 5 năm liền

Vợ chồng ông Đào niềm nở đón tiếp khách với nụ cười tươi. Trước mắt chúng tôi là trang trại thanh long rộng lớn, với trên 34 ha, nằm tựa lưng bên chân núi. Ông Đào vừa vinh dự là cá nhân đại diện nông dân của tỉnh Bình Thuận được tôn vinh là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức giữa tháng 10/2023.

z4861873978485_d2231505ef6635ac6327f5179ffe600a.jpg
Nông dân Đinh Xuân Đào và trang trại thanh long của gia đình.

Gia đình ông Đào hiện đang phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh vườn trồng và mua bán thanh long. Từ năm 2018 đến nay, diện tích sản xuất thanh long của trang trại 22 ha, gồm các giống thanh long ruột trắng, ruột đỏ và tím hồng. Bên cạnh đó, cơ sở thu mua thanh long được mở rộng và nâng cấp gồm xưởng đóng gói, kho lạnh bảo quản, nhà xe với diện tích 5.000 m2. Đáng nói, hiện nay gia đình đã xây dựng hệ thống tưới phun và nhỏ giọt cho 22 ha thanh long, trị giá trên 2 tỷ đồng.

z4861898254895_2a2db54614f626b14c6f0edaf92d070a.jpg
Hệ thống tưới tự động tại trang trại.

Trong chuyến đi thực tế tại trang trại này, do địa hình quá rộng lớn, ông Đào đề nghị được dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long VietGAP bằng xe ô tô, để có thể quan sát hết được không gian trang trại. Bao quanh những con đường bàn cờ là bạt ngàn thanh long xanh ngát đang kỳ chăm sóc, thu hoạch. Quả thật, nếu không thật sự gặp gỡ và chứng kiến tận nơi quy mô trang trại, chúng tôi không nghĩ mức đầu tư lớn của nông dân này cho việc trồng thanh long. Bởi trong xu thế thị trường thanh long còn bấp bênh, giá cả trồi sụt như hiện nay, không ít hộ khác trong tỉnh đã nhổ bỏ, không đầu tư hoặc chuyển đổi cây trồng khác. Riêng với ông Đào, từ năm 2017 đến nay, nguồn thu nhập từ trồng trọt và kinh doanh thanh long xuất khẩu đã mang về lợi nhuận cho gia đình từ 1,2 – 1,8 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, tổ hợp tác sản xuất thanh long Liễu Đào đã giải quyết việc làm cho gần 200 lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Chính từ những nỗ lực và quy mô sản xuất liên tục trong 5 năm (2017 – 2021) đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

z4861903401439_2cd3cf6b30982cafb81f4a80f846955c.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An giới thiệu sản phẩm thanh long đến Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trong lần tham quan
trang trại ông Đinh Xuân Đào.

Đất không phụ lòng người

Những thành quả ấy, có lẽ bởi đất không phụ lòng người, không phụ niềm đam mê và tâm huyết với trái thanh long của chủ trang trại. Cái nắng gay gắt đầu mùa khô được làm dịu đi bởi màu xanh của bạt ngàn thanh long thẳng tắp, đang được tưới mát bằng hệ thống phun sương tự động. Ở các khu vực khác nhau được chủ trang trại xây dựng ao chứa nước tưới, lấy từ giếng khoan, vừa thả cá, trồng rau để phục vụ nhu cầu của hàng chục công nhân lao động tại đây.

Bao quanh khu vực kho xưởng là những hàng dừa trĩu trái, những cây đu đủ đang chín đỏ trên cây, mà khi được tự tay chủ nhà hái xuống mời khách, ai cũng cảm nhận được vị thanh, ngọt đặc trưng của miền đất nắng. Ngay cạnh vườn thanh long sát kho xưởng, một số công nhân đang nhổ cỏ bằng tay, thay thế vào những ô đất trồng giữa các gốc thanh long bạt ngàn hoa mười giờ đủ loại đang khoe sắc.

z4791857672682_deafc2c89b930f9c2a3ac7ab425f3235-1-.jpg
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Phú Hoàng (giữa) và 2 cá nhân, tập thể của tỉnh Bình Thuận tại lễ tôn vinh.

Chủ trang trại cho biết, việc trồng hoa mười giờ và nhiều loại hoa khác trong khuôn viên trang trại vừa là sở thích, tạo không gian đẹp, vừa hạn chế cỏ mọc, thu hút thiên địch hại thanh long. Vợ chồng ông còn định hướng sắp tới sẽ phát triển thêm nhiều mô hình để hình thành du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Ngoài ra, một số hộ trồng thanh long trong vùng cũng được Tổ hợp tác sản xuất thanh long Liễu Đào bao tiêu sản phẩm, đóng gói và chủ yếu xuất đi các thị trường châu Á.

Tuy nhiên, ông Đào cũng cho biết, quá trình sản xuất gặp không ít khó khăn vì chi phí đầu vào của sản xuất cao. Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, thường xuyên xảy ra đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và kinh doanh, trong khi sản phẩm đầu ra chưa có thị trường ổn định.

Dù còn khó khăn, nhưng với nông dân Đinh Xuân Đào, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, hàng năm gia đình hỗ trợ và giúp đỡ lao động nghèo làm việc tại trang trại với khoảng 15 người. Cách giúp đỡ của ông là cho mượn vốn để sản xuất không tính lãi, mỗi hộ từ 10 triệu đồng trở lên và hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn. Cùng với đó, ông Đào còn tham gia các công tác xã hội khác ở địa phương, tích cực tham gia các cuộc vận động như phong trào tiếp bước cho em đến trường, tặng học bổng, ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân…với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đây là một trong những mô hình sản xuất điển hình, cần nhân rộng trong thời gian tới cho các hộ sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh. Hướng đến, Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị liên quan sẽ tư vấn, hỗ trợ người trồng thanh long nâng cao chất lượng GAP để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Qua đó, nông dân có lợi nhuận cao hơn, giúp người trồng thanh long giải quyết được đầu ra sản phẩm.

Riêng với chúng tôi, buổi gặp gỡ dù khá gấp gáp, nhưng đủ để lại ấn tượng đẹp về gương nông dân sản xuất giỏi Đinh Xuân Đào, về quy mô sản xuất rộng lớn, hiệu quả từ cây thanh long trên mảnh đất Bình Thuận.

Kiều Hằng