Xóm đêm
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:45, 10/11/2023
“Xóm đêm”, đây là một địa chỉ không chỉ riêng cho xóm nghèo nào, mà là một xóm đêm nghèo của tất cả xóm đêm nghèo có mặt trên miền Nam của thế kỷ 20.
“Xóm đêm” là một bài hát được viết với giai điệu Boléro, đây có thể nói là một bài hát Boléro sang trọng... tuy rằng đây là một ca khúc mà nội dung của nó là diễn tả “một cảnh nghèo của một xóm đêm, họ sống bằng sức lao động trên hai bàn tay”. Nghèo mà sạch sẽ, nghèo mà “quý phái”, nghèo mà “nhân cách”, một cái nghèo thật đáng trân trọng của một tầng lớp nghèo nói riêng ở “Xóm đêm”, và nói chung là cái nghèo của quần chúng lao động lúc bấy giờ!.
Người ta thường chê Boléro là nhạc “sến”. Thật lòng mà nói từ “sến” cho đến nay cũng chưa có ai giải thích cho tường tận chữ này! Và cũng sẽ thật công tâm mà nói rằng, nếu có bài hát nào mà người ta cho là “sến”, thì bài hát này đưa cho Thái Thanh, Khánh Ly… hát, là hết “sến” ngay!
Từ năm 1960, ca sĩ Thanh Thúy trong một Đoàn ca nhạc từ Sài Gòn ra Bình Tuy (nay là Hàm Tân - La Gi) đã trình bày “Xóm đêm”. Lúc bấy giờ đêm nhạc “không bán vé”, vào cửa tự do. Nghe Thanh Thúy hát “Xóm đêm”… Vì nghe Thanh Thúy ca hay quá, sáng hôm sau tôi vội ra tiệm sách để mua bản nhạc này. Nhưng bài “Xóm đêm” đã bán sạch. Hỏi thăm mấy thằng bạn để mượn chép lại.
Vào đầu “dấu nghỉ tự do” (Đường về canh…” thâu (mới vào nhịp), đúng là Boléro, không chậm, không nhanh, từ từ trong một xóm đêm như “mưa rơi rơi xóa lối đi mòn”…
Bài “Xóm đêm” nó hay vì cái gì?
Theo cá nhân tôi, có đến 80% bài hát hay là nhờ lời. Nếu có một văn sĩ, một nhà thơ nào đó mà viết thêm một lời hai cho “Xóm đêm”, thì bảo đảm “lời hai” này sẽ làm cho “Xóm đêm” bị giải tỏa ngay!
Có một điều lạ là: Những bài hát viết cuộc đời mà có “Mưa” đều là những bài hát hát hay! Hình như “Mưa” đem đến cho đời nhiều nỗi buồn hơn vui, mặc dù “Mưa” là sự sống trên cõi đời này.
Trong giai điệu Boléro, “Gõ nhịp như có mưa”, Phạm Đình Chương đã cho chúng ta thấy một “Xóm đêm” buồn đến se thắt lòng: “… Đường về canh thâu/ Đêm khuya ngõ sâu như không màu/ Qua phênh vênh có bao mái đầu/ Hắt hiu vàng ánh điện câu/ Đường dài không bóng/ Xa nghe tiếng ai ru mơ mộng/ Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn/ Có đôi lòng vẫn chờ mong/ Ai chia tay đầu xóm vắng im lìm/ Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm/ Mong sao cho duyên nghèo mai nắng gieo thềm/ Đẹp kiếp sống thêm...”.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết “Xóm nghèo với đôi vợ chồng nghèo tạm trú”, những đêm thức trắng để mong một ngày nào đó tươi sáng hơn: “… Đêm tha hương ai vọng trông/ Đêm cô liêu đêm chờ mong/ Đêm bao canh mưa âm thầm/ Theo gió về khua cơn mộng/ Hẹn mai ánh xuân nồng/… Cho nên đêm còn dậy hương/ Để dìu bước ai trên đường/ Để nhìn xóm khuya không buồn/ Vì người biết mang tình thương…”.
“Xóm đêm” là những xóm ven những con rạch, những xóm ven đô… thường là những xóm nghèo khắp miền Nam thời còn chiến tranh. Ngày ấy, dân lao động sinh sống trong xóm nghèo rất yêu chuộng bài hát này. Có thể nói rằng, đây là một bài mang nhịp điệu Boléro sang trọng nhất Việt Nam.
Nhạc phẩm “Xóm đêm” xuất bản từ năm 1955, và đến nay là bao nhiêu năm rồi, người nghe vẫn thương nhớ những xóm đêm chan chứa yêu thương: “… Màn đêm tịch liêu/ Nghe ai thoáng ru câu mến trìu/ Nghe không gian tiếng yêu thương nhiều/ Hứa cho đời thôi đìu hiu…”.