Thảo luận Dự án Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 08:55, 10/11/2023
Trên cơ sở dự án luật, các đại biểu tổ 15 thống nhất về sự cần thiết xây dựng bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013, các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật từ thực tiễn.
Góp ý đến Dự án Luật Tổ chức Tòa án, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Thuận) góp ý về bỏ thẩm quyền, trách nhiệm thu nhập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính ( khoản 2 Điều 15 Chương I và khoản 4 Điều 26 Chương II). Vấn đề này hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều và chưa được công luận đồng thuận vì thực tế việc thu nhập chứng cứ của đương sự trong vụ án hành chính, dân sự là rất khó khăn vì nhiều tài liệu, chứng cứ cơ quan chức năng đang quản lý mà các đương sự không thể tự mình thu thập được, thậm chí ngay cả Tòa án có thẩm quyền tiến hành thu thập chứng cứ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do cơ quan chức năng không hợp tác, không cung cấp dẫn đến nhiều vụ án bị kéo dài qua thời hạn quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Đề nghị không nên bỏ nội dung này mà vẫn giữ nguyên quy định hiện hành sẽ khả thi hơn. Về thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt ( Điều 61 mục 4 và Điều 62 mục 5 Chương IV). Nhằm đảm bảo chuyên môn hóa, phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử một số loại vụ việc có tính chất đặc thù như sở hữu trí tuệ, phá sản là cần thiết. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, đề nghị cần nghiên cứu kỹ để có quy định khả thi, phù hợp thực tế. Các nội dung liên quan đến thẩm phán (mục 3 Chương V) việc bổ sung quy định ngạch, bậc thẩm phán theo khoản 1 Điều 91 mục 3 Chương V là phù hợp trong đó: Thẩm phán gồm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2 bậc) và Thẩm phán (9 bậc). Đề nghị dự thảo bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đảm bảo thẩm phán yên tâm công tác, không bị chi phối các yếu tố khác. Về nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính (khoản 4 Điều 26 Chương II), thực tế số lượng các vi phạm hành chính trong cả nước hàng năm là tương đối lớn, số lượng thẩm phán được phân bổ thực hiện không đủ đáp ứng được công việc xét xử tất cả các vi phạm hành chính. Vì vậy cần cân nhắc kỹ khi sửa đổi các đạo luật liên quan, đồng thời phải có lộ trình cụ thể cho các Tòa án thực hiện để đảm bảo tính khả thi.
Về vai trò của Hội thẩm nhân dân trong xét xử sơ thẩm các vụ án ( Chương VI), đề nghị dự thảo nghiên cứu kỹ, cần phải có một cơ chế hữu hiệu và đủ mạnh để đảm bảo cho hội thẩm nhân dân thật sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi tham gia xét xử tại các phiên tòa sơ thẩm nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng “chạy án”. Đó cũng chính là góp phần làm trong sạch hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp trong tình hình mới. Tại khoản 8 Điều 126 Chương VI quy định về “trách nhiệm bồi hoàn cho Tòa án khi gây thiệt hại trong hoạt động xét xử”. Đề nghị cần quy định rõ việc bồi hoàn trên lĩnh vực và mức độ như thế nào, hiện nay Hội thẩm nhân dân được bầu đa phần hiệp thương từ các thành phần trong xã hội công, nông, trí thức… mức độ am hiểu pháp luật khác nhau, hầu hết tham gia xét xử từ kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu ràng buộc cao về pháp luật, nhân sự Hội thẩm nhân dân khó tham gia Hội thẩm nhân dân vì ngại va chạm pháp luật. Tại khoản 1 Điều 125 Chương V quy định về cơ chế quản lý đối với Hội thẩm nhân dân đề nghị nên quy định theo hướng không giao cho Tòa án nhân dân quản lý đội ngũ này, mà giao cho Hội đồng nhân dân bầu ra họ quản lý sẽ phù hợp hơn. Tại khoản 1 Điều 130 Chương 5 đề nghị quy định quyền hạn gắn với quyền lợi, chế độ đảm bảo cho Hội thẩm hoạt động, hiện nay chế độ rất thấp, nhất là chế độ tham gia xét xử, trong khi đó trách nhiệm quy định cao. Về giám sát hoạt động của Tòa án ( Điều 21) Đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ cơ chế, phương thức để nhân dân thực hiện việc giám sát của Hội đồng Tư pháp quốc gia, đồng thời làm rõ thẩm quyền giám sát của Tòa án Tối cao ( khoản 3 Điều 21) có mâu thuẩn hay trùng lặp với thẩm quyền giám sát của Hội đồng Tư pháp quốc gia không.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng đã góp ý thêm nhiều vấn đề trong Dự án Luật Tổ chức Tòa án sửa đổi, bổ sung…