Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Thảo luận góp ý 2 Dự án luật và 1 nghị quyết

Chính trị - Ngày đăng : 17:18, 10/11/2023

BTO-Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 10/11, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Thuận tiến hành thảo luận tại tổ 15 do đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận làm tổ trưởng góp ý về Dự án Luật đường bộ, Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
74f3c544ace45e5e3dc7b18710a858a1.jpg
Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận làm tổ trưởng góp ý về Dự án Luật và 1 nghị quyết.

Trên cơ sở dự án luật, các đại biểu tổ 15 thống nhất về sự cần thiết xây dựng 2 Dự án luật và Nghị quyết, đại biểu Đặng Hồng Sỹ góp ý về Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu: Việc ra Nghị quyết là cần thiết bởi trong thời gian chưa có luật bổ sung luật thuế thu nhập doanh nghiệp chúng ta đưa ra mức thuế trong dự thảo lấy ở mức tối thiểu là 15%. Trong thời gian các doanh nghiệp FDI được ưu đãi rất nhiều mặt, trong đó có khoản thuế. Ví như tập đoàn Samsung thuế thu nhập doanh nghiệp đang hưởng 12% trong khi doanh nghiệp trong nước là 20%. Nếu vậy doanh nghiệp trong nước chịu thiệt thòi rất nhiều. Mặc dù trong điều kiện đất nước còn khó khăn, các doanh nghiệp FDI đầu tư đã giúp tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên hiệu quả mang lại không như mong muốn. Ngoài ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp FDI còn được ưu đãi nhiều mặt khác như đất đai, xăng dầu… Trong thời gian các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi nếu pháp luật điều chỉnh mức thuế cao hơn thì doanh nghiệp FDI vẫn hưởng theo mức thuế ưu đãi. Vì vậy cần có những chính sách đi kèm. Theo Khoản 2 Điều 7 thì trường hợp người nộp thuế theo khoản này có đảm bảo ưu đãi đầu tư…để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp. 

zalo-27-.jpg
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ góp ý về Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông góp ý: Đối với Luật Giao thông đường bộ 2008, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ còn hạn chế, trong khi các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ còn diễn ra phổ biến, phức tạp. Hệ thống điều khiển, giám sát giao thông còn thiếu; chưa có hệ thống quản lý giao thông thông minh, chưa có các trung tâm điều khiển xe đi trên các tuyến. Thực tiễn đòi hỏi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Do đó, trong dự thảo Luật đường bộ này cho thấy đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống giao thông thông minh phục vụ quản lý, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm; góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.

43cef7a933d7b0d3bf1d03409381f8f2.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông góp ý

Còn tại khoản 2, Điều 67 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về chỉ huy, điều khiển giao thông quy định: “Trung tâm chỉ huy giao thông là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin tình hình giao thông phục vụ chỉ huy, điều hành giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác liên quan tới giao thông đường bộ; cung cấp thông tin về tình trạng giao thông cho người tham gia giao thông; nghiên cứu giải pháp bảo đảm giao thông đường bộ an toàn, thông suốt. Trung tâm chỉ huy giao thông do lực lượng Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác; hoạt động thường xuyên, liên tục. Trung tâm chỉ huy giao thông quốc gia kết nối với Trung tâm chỉ huy giao thông địa phương và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành…”

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông góp ý: Qua nghiên cứu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc tách các nội dung của Luật GTĐB năm 2008 để xây dựng 02 dự án luật (Luật TTATGTĐB và Luật Đường bộ) là cần thiết để quy định đầy đủ, cụ thể về từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGTĐB, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”. Tuy nhiên, do lĩnh vực TTATGTĐB liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của người dân, tác động to lớn đến đời sống xã hội, đại biểu có ý kiến như sau: Về giải thích từ ngữ (Điều 3), đề nghị dự thảo Luật bổ sung việc giải thích từ ngữ “đường bộ”, “giao thông đường bộ” để các cơ quan chức năng có căn cứ chặt chẽ áp dụng pháp luật trong trường hợp tai nạn giao thông do trên thực tế một số vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến đường nội bộ trong khu công nghiệp, khu dân cư, doanh nghiệp mà cơ quan có thẩm quyền không có căn cứ rõ ràng để xác định vụ việc là tai nạn giao thông hay tai nạn nghề nghiệp. Đồng thời việc bổ sung giải thích từ ngữ như trên để làm cơ sở xác định, thực hiện quy định tại khoản 40 Điều 3: “Tai nạn giao thông đường bộ là sự việc xảy ra khi người, phương tiện tham gia giao thông đang hoạt động trên đường bộ hoặc ở các địa bàn giao thông khác nhưng do chủ quan, vi phạm các quy tắc an toàn giao thông đường bộ hoặc do gặp phải các tình huống, sự cố đột xuất không kịp phòng tránh, đã gây ra những thiệt hại nhất định cho tính mạng, sức khỏe con người hoặc tài sản”. Đề nghị thay thế hoặc giải thích rõ hơn cụm từ “hoặc ở các địa bàn giao thông khác” tại khoản 40, Điều 3 vì giải thích từ ngữ như dự thảo gây khó hiểu, không cần thiết khi áp dụng luật.

Trần Thi.