Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận 2 dự án luật và báo cáo của Chính phủ

Chính trị - Ngày đăng : 07:49, 11/11/2023

BTO-Chiều ngày 10/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận tiến hành thảo luận tại tổ 15 về 2 dự án luật và báo cáo của Chính phủ gồm: Dự án Luật lưu trữ ( sửa đổi); Dự án Luật Thủ đô ( sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

43cef7a933d7b0d3bf1d03409381f8f2(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông góp ý

Đa số đại biểu ở tổ 15 đều thống nhất ý kiến việc cần thiết phải ra Dự án Luật lưu trữ ( sửa đổi); Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông góp ý: Qua nghiên cứu dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế. 

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ (Điều 9), tại khoản 3 Điều 9 quy định: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, ngoại giao, bao gồm cả tài liệu của tổ chức Đảng của các ngành này”. Vấn đề này đại biểu băn khoăn, vì trái với Điều 3 dự thảo về nguyên tắc hoạt động lưu trữ và Điều 7 về thành phần Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. 

Về hủy tài liệu hết giá trị (Điều 15), đề nghị bỏ điểm d khoản 2 Điều 15: Tài liệu lưu trữ bị hư hỏng nặng không còn khả năng phục hồi”, vì nội dung quy định còn chung chung, chưa cụ thể nên các cơ quan, tổ chức có thể dựa vào nội dung này để tiêu hủy làm nguy cơ mất tài liệu có giá trị vĩnh viễn. Đề nghị cần bổ sung thêm trách nhiệmBộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, quy trình, thủ tục hủy tài liệu hết giá trị tại cơ quan, tổ chức và lưu trữ lịch sử”. Do hiện nay vẫn còn tình trạng tự ý tiêu hủy tài liệu hết giá trị; quy trình tổ chức tiêu huỷ tài liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn còn thiếu sót các khâu, chưa có sự thống nhất. 

ba0965208cd89b7bc0c00ffe2d929a68(1).jpg
Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận  -  Tổ trưởng Tổ thảo luận 15 góp ý Dự án Luật Thủ đô.

Góp ý về Dự án Luật Thủ đô ( sửa đổi), đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận-  Tổ trưởng tổ thảo luận 15 góp ý Dự án Luật Thủ đô: Về khoản 1 Điều 3: …Tăng trưởng đột biến về quy mô khách hàng, doanh thu tạo giá trị lớn cho khách hàng thực ra đây là dự án khởi nghiệp, sáng tạo nhưng quá lớn, quá kỳ vọng. Theo Dự án Luật Thủ đô sẽ được chính sách ưu đãi nhưng thực ra đây là các dự án khởi nghiệp, sáng tạo khuyến khích để làm hơn là đánh giá vào hiệu quả. Trên thực tế các dự án khởi nghiệp, sáng tạo chưa thực sự tạo ra đột biến doanh thu, giá trị lớn cho xã hội. Chỉ cần các dự án khởi nghiệp, sáng tạo tạo ra cách sản xuất mới, lĩnh vực mới, phương thức sản xuất mới, tạo ra cách sản xuất hàng hóa mới và tiêu dùng, giải quyết được kinh tế hộ gia đình, cộng đồng nhỏ đã là rất tốt. Nên không cần đặt ra yêu cầu quá cao như trong luật. Vì vậy luật cần khuyến khích xã hội, nên không đặt ra quá khó sẽ không khuyến khích được xã hội tiếp cận được…

Trần Thi.