Kinh tế Bình Thuận: Vẫn có những “điểm sáng”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:27, 15/11/2023

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng kinh tế Bình Thuận năm 2023 cũng cho thấy những “điểm sáng” nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Một năm còn khó khăn…

Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Qua đó nhìn nhận bên cạnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường thì năm nay kinh tế Bình Thuận cũng chịu tác động từ trong nước, bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gặp không ít khó khăn. Nhất là những ảnh hưởng tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu về đơn hàng xuất khẩu sụt giảm…

z4265954898373_c73674eae8d6dc00c56075278f91b1a8.jpg
Năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự ước tăng khá so cùng kỳ (Ảnh minh họa).

Trước thực trạng đó, năm nay dự kiến số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh giảm 10,69% và trường hợp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm hơn 15% so với năm ngoái. Trong khi số doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh tăng gần 27% so cùng kỳ, còn số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động tăng 10%... Tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó cũng dẫn đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của địa phương tính chung cả năm ước chỉ đạt 714,4 triệu USD, giảm 8,59% so năm 2022. Đáng chú ý là 2 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có đóng góp kim ngạch nhiều nhất cho tỉnh đều giảm so cùng kỳ: Nhóm hàng thủy sản ước thực hiện 210 triệu USD, giảm hơn 16% và nhóm hàng hóa khác đem về khoảng 490 triệu USD, giảm 5,49%.

Thực tế cho thấy trong năm 2023, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp tại địa phương vẫn chưa hết khó khăn, hay như việc xác định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính còn chậm. Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh dù được triển khai tích cực, song dự ước nguồn thu nội địa đạt khoảng 8.606 tỷ đồng, giảm 14,71% so với năm 2022...

…Vẫn có những “điểm sáng”

Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo các sở ngành liên quan cũng tham gia trao đổi, phân tích làm rõ kết quả thực hiện một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực kinh tế. Trong đó ghi nhận những “điểm sáng” đạt được trong năm 2023 nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, như: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) của Bình Thuận ước đạt 39.102,4 tỷ đồng, tăng 5,51% so năm ngoái. Riêng ngành sản xuất - phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 17.737,8 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so cùng kỳ.

Vừa qua, địa phương cũng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 với tổng quy mô sử dụng đất là 468,35 ha, còn UBND tỉnh chấp thuận dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ có tổng vốn lên đến 31.434 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10/2023, toàn tỉnh có 30 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 33.620 tỷ đồng. Đối với tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm nay ước đạt 45.410 tỷ đồng (tăng hơn 9% so năm ngoái), trong đó vốn ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng 11,2% so cùng kỳ. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định với kết quả: Sản lượng lương thực cả năm ước đạt 856.898 tấn (tăng 2,97% so năm ngoái), sản lượng thanh long khoảng 605.000 tấn (tăng gần 2%), sản lượng hải sản khai thác đạt gần 235.280 tấn (tăng 1,71%)... Bên cạnh việc tập trung phát triển, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, năm nay địa phương còn đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hiện đã nâng số lượng sản phẩm đạt chuẩn của tỉnh lên 93 sản phẩm OCOP…

Trong bức tranh kinh tế Bình Thuận, có thể nói du lịch là lĩnh vực thể hiện gam màu sáng nhất nhờ tận dụng một số yếu tố thuận lợi như tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây chính thức đưa vào sử dụng, được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Vì vậy dự ước cả năm, toàn tỉnh đón khoảng 8,35 triệu lượt khách, tăng xấp xỉ 46% so năm ngoái, trong đó khách quốc tế ước đạt 230.000 lượt (tăng 162,35%) và khách nội địa khoảng 8,12 triệu lượt (tăng hơn 44%), riêng doanh thu du lịch ước đạt 22.300 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2022)... Trong năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh được dự ước đạt 95.480 tỷ đồng, tăng 28,57% so năm trước. Bao gồm tổng mức bán lẻ hàng hóa ước khoảng 61.490 tỷ đồng (tăng 18,25%), doanh thu dịch vụ ước đạt 12.050 tỷ đồng (tăng 48,4%) và doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành đạt 21.940 tỷ đồng (tăng 55,15%)…

Hướng đến giữ vững gam màu sáng chủ đạo trong bức tranh kinh tế Bình Thuận thì từ nay đến cuối năm 2023, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành đạt kết quả cao nhất so chỉ tiêu đề ra. Qua đó tạo động lực phấn đấu triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2024 của tỉnh ghi nhận thêm nhiều “điểm sáng”, nhất là với các lĩnh vực thuộc 3 trụ cột chính: Công nghiệp - du lịch - nông nghiệp.      

Theo dự ước, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 của Bình Thuận đạt 7,3% (vượt kế hoạch đề ra là tăng 7,0 - 7,2%), trong đó ngành nông - lâm - thủy sản ước tăng 2,85%, công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,85% và dịch vụ ước tăng 11,64%. Trong năm 2024, địa phương dự kiến đề ra mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh đạt từ 7,2 - 7,4%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 9,5 - 10%, còn dịch vụ tăng 9 - 9,5%...

Q. TÍN