“Phí nồng độ cồn"

Pháp luật - Ngày đăng : 04:58, 15/11/2023

Trong 2 ngày 9 và 10/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận góp ý về Dự án Luật Đường bộ, Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vấn đề được nhiều đại biểu góp ý và dư luận quan tâm nhiều nhất là việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn.

1. Một số đại biểu tán thành việc có nồng độ cồn trong người thì không được điều khiển phương tiện lưu thông trên đường nhưng có nhiều đại biểu tỏ ra quan ngại vì cho rằng cơ địa mỗi người mỗi khác, có người tối hôm trước uống vài ly rượu thuốc để ăn được, ngủ ngon nhưng sáng mai đi làm dù rất tỉnh táo và có tinh thần sảng khoái để chuẩn bị làm việc cho ngày mới. Tuy nhiên, khi bị cảnh sát giao thông đo nồng độ còn thì vẫn bị “dính” phạt. Có người buổi trưa dự đám giỗ chỉ uống một ly bia, chiều về nghỉ ngơi sau đó tối đi làm ca nhưng khi đo nồng độ cồn vẫn bị phạt. Hoặc nhiều trường hợp bị oan vì không uống rượu, bia nhưng ăn thức ăn lên men, hay như tôm, gà, đồ hải sản hấp bia khi đo nồng độ cồn vẫn có…

phi.jpg
Lập biên bản người vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: N.Luân

Việc các đại biểu góp ý về xử phạt nồng độ cồn trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội thông qua không chỉ đang nóng từ những hàng ghế nghị sự mà đang được hàng triệu cử tri cả nước nóng lòng mong chờ luật được đưa ra như thế nào. Bởi việc nồng độ cồn không chỉ ảnh hưởng đến người dân khá giả có ô tô để lái mà cả đến người nghèo đi xe đạp vướng nồng độ cồn cũng bị phạt (như trường hợp phạt 100.000 đồng với phụ nữ ở một tỉnh phía Bắc) mà nồng độ cồn còn ảnh hưởng rất nhiều đến nền ẩm thực khi sử dụng bia, rượu để chế biến thức ăn rồi đến phong tục, tập quán của người Việt trong ma chay, hiếu hỉ và lễ, tết…

2. Ở một góc nhìn khác nồng độ cồn có ảnh hưởng đến nền kinh tế? Có. Chưa có thống kê cụ thể nhưng chỉ qua vài tháng ngành công an tăng cường kiểm tra xử lý nồng độ cồn đối với người dùng phương tiện lưu thông trên đường thì hàng loạt quán nhậu đến nhà hàng giảm doanh thu đáng kể. Ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều phố nhậu vắng khách, các mặt tiền trước đây cho thuê mở quán nhậu, ăn uống vốn đông khách không có chỗ ngồi nhưng giờ treo bảng cho thuê nhan nhản vẫn không ai thuê vì sợ thua lỗ. Không đâu xa, như thành phố Phan Thiết, khu vực Hùng Vương, đường Phạm Ngọc Thạch hàng loạt quán hải sản phục vụ khách du lịch ăn nhậu phải đóng cửa vì ế khách. Nhiều quán cố gắng trụ nhưng doanh thu giảm mạnh nên cũng “than trời” vì… nồng độ cồn. Nguyên nhân là mức phạt vi phạm nồng độ cồn rất cao, đi ô tô thì vài chục triệu đồng còn đi chiếc xe máy “cà tàng” giá trị chiếc xe đôi khi chỉ 2 – 3 triệu đồng nhưng nếu bị phạt bởi vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/1 lít khí thì nằm trong khung từ 6 – 9 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng. Vì vậy người dân rất sợ bị phạt, từ đây dẫn đến người dân hạn chế ra quán để ăn uống và làm vài lon bia hoặc ly rượu để “giải mỏi” sau một ngày làm việc vất vả. Thậm chí khi có khách xa về thăm nhiều người cũng hạn chế ra quán mà chấp nhận làm tiệc ở nhà cũng bởi lý do sợ bị phạt vì nồng độ cồn. Với khách du lịch thì nhiều người cũng nản lòng bởi dù có xe ô tô nhưng muốn đưa gia đình đi dạo chơi, tham quan các điểm du lịch và sau đó gặp gỡ bạn bè ăn uống nhưng phải để xe ở chỗ nghỉ và đi bằng phương tiện khác vì ngại trong cuộc vui làm vài lon bia sẽ tốn…vài chục triệu đồng do dính nồng độ cồn nên phải tốn thêm “phí” thuê taxi hoặc Grap… Vậy là khách du lịch nản lòng, không mấy mặn mà chuyện đi giao lưu ăn uống với bạn bè… Và vì thế quán xá cũng vắng khách theo…

3. Cũng là câu chuyện góp ý của các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhưng một câu chuyện thực tế rất đáng suy ngẫm. Mới đây, trong lần đi dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, sau phần lễ đến phần hội có buổi tiệc ăn trưa, người dân thôn Dân Trí, cán bộ thôn, xã và huyện nhiệt tình mời lãnh đạo tỉnh dự tiệc cùng bà con để có thêm thời gian tâm sự “chuyện thôn, chuyện làng”, song lãnh đạo tỉnh khéo léo từ chối bởi buổi trưa vui cùng bà con (dân mời vì xã giao và phép lịch sự...) uống ly bia, lỡ buổi chiều vợ bận phải thay vợ chạy xe đón con đi học về nếu bị cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn thì… "tiêu"… Còn không thì phải tốn phí thuê xe đi đón con. Từ đây, nhiều người biết uống bia, rượu nhất là chị em gọi tiền thuê xe kiểu này là “phí nồng độ cồn". “Phí nồng độ cồn" là tên gọi mới đối với nhiều người muốn đi ăn uống và làm vài lon bia hoặc ly rượu với anh em, bạn bè, đối tác hay với đồng nghiệp. Bởi ai cũng sợ bị phạt vì nồng độ cồn nên muốn đi phải tốn thêm khoản phí đi đường 2 chiều (đi và về). Cũng có người cho rằng đi nhậu cả tiền triệu nhưng tốn 200.000 – 300.000 đồng tiền đi xe thì có đáng gì?! Trở lại câu chuyện trên chuyến xe dự Ngày hội Đại đoàn kết về, vô tình vị lãnh đạo tỉnh hỏi về tiền lương và thu nhập hàng tháng, một anh phó phòng đã công tác 22 năm trong khối đoàn thể trả lời dao động từ 10 – 12 triệu đồng/tháng. Anh cảm thán, ở thành phố nên lương 2 vợ chồng chỉ lo đủ ăn với đóng tiền học cho 2 con, dù đã chi tiêu dè xẻn hết mức nhưng có tháng bị hụt. Giờ thêm “phí nồng độ cồn” nữa nên hạn chế tối đa các mối quan hệ. Vài lần anh em ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước ra Phan Thiết du lịch mời đi ăn uống giao lưu nhưng đi thì phải tốn phí đi xe. Mà tháng đi khoảng 4 – 5 lần thì phải cắt bớt khẩu phần ăn cả nhà hay tệ hơn là phải cắt tiền sữa của con. Vậy nên cái khoản này mấy “bà vợ” khi chi ra đã có thêm cớ để cằn nhằn vì “phí nồng độ cồn”…

Một câu chuyện hiện hữu mà nhiều người đang… lo là Phan Thiết đang chuẩn bị thí điểm mở kinh tế đêm. Mà trong hoạt động kinh tế đêm sẽ có khâu phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Nhiều người đặt câu hỏi đi chơi đêm để tiêu tiền trong đó phải ăn nhậu nhưng “mấy anh” đứng ở đầu đường trực đo nồng độ cồn thì ai cũng phải dè chừng. Mà khi khách dè chừng thì hoạt động dịch vụ ăn uống sẽ ra sao? Thời điểm này nhiều người đang hướng về chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ quyết Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ như thế nào, một là không có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường hoặc cho phép có nồng độ cồn ở mức độ nhất định như nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Hãy chờ thôi!

Trần Thi.