Phát triển nông nghiệp sạch gắn bảo hộ sản phẩm

Kinh tế - Ngày đăng : 05:07, 15/11/2023

Các giải pháp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch gắn chế biến, bảo quản nông sản; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận trên thị trường trong, ngoài nước.

Nhiệm vụ trên đang được Sở Khoa học & Công nghệ triển khai trong hơn 2 năm qua, thực hiện theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, Quyết định số 08/QĐ-UBND của UBND tỉnh về lĩnh vực này. Thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, huy động nguồn khác, Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp các sở ngành liên quan chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào nông, ngư nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường. Các mô hình hiệu quả ấy như: Quy trình kỹ thuật trồng và nhân giống tỏi tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm; Quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp cho một số loại cây trồng trong cơ cấu cây trồng hàng năm trên đất lúa kém hiệu quả tại vùng khô hạn, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có nguy cơ lũ lụt ven sông La Ngà địa bàn hai huyện Tánh Linh, Đức Linh. Quy trình trồng, chăm sóc, khai thác, sơ chế, bảo quản cây trôm; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình liên kết sản xuất thanh long hữu cơ đạt chứng nhận EU quy mô 80 ha; 1 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ mủ trôm quy mô 3 ha. Ngoài ra hiện nay, thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sở chức năng này đang triển khai xây dựng 4 quy trình kỹ thuật và 4 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bao gồm: mô hình sản xuất nha đam, canh tác lúa mẹ, sản xuất nho và táo cho các địa phương trong tỉnh.

img_8466.jpg
 Sở KH&CN xúc tiến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sầu riêng Đa Kai

Cùng với đó, Sở Khoa học & Công nghệ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đã có 7 sản phẩm OCOP của các đơn vị như sầu riêng Đức Phú – Tánh Linh; sầu riêng Đa Kai – Đức Linh; sen núi CO.OP – Đức Linh; Hợp tác xã Thuận Minh Phát TMP – Hàm Thuận Nam; HTX Hiệp Phát – Hồng Liêm – Hàm Thuận Bắc; HTX thanh long sạch Hòa Lệ và HTX dịch vụ nông nghiệp Phong Phú – Tuy Phong đang được xây dựng mô hình quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể. Riêng sản phẩm mực một nắng của tỉnh sẽ được xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 38 nhãn hiệu cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, gồm 30 nhãn hiệu tập thể và 8 nhãn hiệu chứng nhận. Trong khi đó, tỉnh cũng đã có 76 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 40 sản phẩm đạt 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

img_8978.jpg
 Các sản phẩm OCOP của Bình Thuận

Theo một lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ, trong hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp, xây dựng thương hiệu, bảo hộ cho sản phẩm lợi thế, đặc trưng của mỗi địa phương, sở đề nghị các huyện, thị, thành phố thông báo các tổ chức, cá nhân đăng ký đề tài, dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ kinh phí, triển khai từ đầu năm 2024.

“Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho trái thanh long; sản phẩm lợi thế này được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản; bảo hộ nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình” tại 13 nước. Cùng đó, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm; đối với đăng ký nước ngoài được bảo hộ nhãn hiệu “PHAN THIẾT NƯỚC MẮM – FISHSAUCE & hình” tại 3 nước: Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia”.

T. Khoa