Đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện 6 nội dung cải cách hành chính

Chính trị - Ngày đăng : 09:13, 15/11/2023

BTO-Chiều 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả cải cách hành chính 10 tháng năm 2023. Đồng thời đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 2 tháng cuối năm 2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận, có Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; phiên họp cũng được kết nối trực tuyến tới 10 điểm cầu tại UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

image_6483441-22.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Theo báo cáo tại phiên họp, công tác CCHC thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, công điện đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thành lập 5 Tổ công tác, 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Vai trò người đứng đầu trong CCHC từng bước được phát huy; 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC.

Cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh. Các Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 TTHC liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 Bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục TTHC nội bộ... Chuyển đổi số Quốc gia, xây dựng Chính phủ số được triển khai quyết liệt, nhất là việc ban hành văn bản triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử; tăng cường chất lượng dịch vụ công.

Trong 10 tháng của năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các Bộ, ngành đạt 26,93%, tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022, các địa phương đạt 40,91%, tăng 27,77%; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42%, địa phương đạt 70,15%.

Đến nay, đã có 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ công chức viên chức (CBCCVC). Trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số có 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Ngoài ra, việc triển khai Đề án 06 đạt hiệu quả, đến nay đã tích hợp, cung cấp 35/53 dịch vụ công thiết yếu; 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; cấp trên 84,7 triệu căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt trên 45 triệu tài khoản VneID; chuẩn hóa, xử lý hơn 17 triệu SIM thuê bao; xác thực hơn 91,2 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội; làm sạch 42 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng...

image_6483441-21.jpg

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CCHC là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai công tác CCHC với nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành tích chung của cả nước. Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, cần nâng cao tinh thần, nhận thức, tầm quan trọng của CCHC đối với sự phát triển đất nước. Đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện 6 nội dung CCHC đó là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tạo đột phá cho sự phát triển.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nêu cao vai trò của người đứng đầu, đồng thời tăng cường kiểm tra. Chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công nhằm đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp, khẳng định sự chủ động, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quang Nhân