Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023: Hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Kinh tế - Ngày đăng : 15:42, 16/11/2023
Tại điểm cầu Bình Thuận có đại diện lãnh đạo Sở TN & MT, các sở ngành liên quan cùng dự diễn đàn.
Phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh vai trò của kinh tế tuần hoàn trong hướng tới phát triển bền vững, đề nghị các đại biểu chia sẻ, gợi ý bài học kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho hay, Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia được Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng đã gửi lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững. Bộ TN & MT tổng hợp hoàn chỉnh dự thảo cuối năm nay trình Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần phải có một kế hoạch rõ ràng, các mục tiêu cụ thể và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội. Đồng thời, cần phải có một hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành chức năng cùng các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học chung tay hành động để thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả. Trước đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu trong, ngoài nước đã trình bày các báo cáo: Thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững; Cách nền kinh tế tuần hoàn giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học; Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa…
Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận các phiên chuyên đề lộ trình triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; Phương pháp tiếp cận Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp; Cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững.