Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV): Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023

Chính trị - Ngày đăng : 14:36, 17/11/2023

BTO-Sáng nay (17/11), Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) đã tổ chức họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Đồng thời cũng đánh giá: Tình hình thu chi ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán thu chi ngân sách năm 2024; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công và danh mục các công trình trọng điểm năm 2024; Kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2024.

Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Đoàn Anh Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt 7,3% (vượt chỉ tiêu đề ra). Một số dự án công nghiệp quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh được cấp có thẩm quyền chấp thuận (Kho cảng LNG Sơn Mỹ, các dự án khí điện LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ 2, KCN Sơn Mỹ 2). Hoạt động du lịch được xem là điểm sáng trong năm nay, diễn ra sôi động, tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ của năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Toàn tỉnh đón 8,35 triệu lượt khách, tăng 45,98% so với năm 2022, doanh thu du lịch ước đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2022.

_lan4821.jpg
Toàn cảnh cuộc họp.
_lan4842.jpg

Ông Phạm Quốc Hùng – Cục trưởng Cục thống kê Bình Thuận phân tích sâu một số chỉ tiêu đạt thấp.

Bên cạnh đó, công tác đầu tư công được thường xuyên quan tâm. Đến hết tháng 10/2023, đã giải ngân 2.836.621 triệu đồng, đạt 58,61% kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách. Công tác thu ngân sách nhà nước được triển khai tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 10.006 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa ước đạt 8.606 tỷ đồng, giảm 14,71% so với năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 12.264 tỷ đồng, đạt 97,24% dự toán…

_lan4849.jpg

Ông Đỗ Văn Chung - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội ở một số lĩnh vực trong năm 2023 vẫn còn khó khăn, hạn chế. Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành đã thảo luận, phân tích sâu một số chỉ tiêu đạt thấp cũng như những tồn tại như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu về đơn hàng xuất khẩu sụt giảm… Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2022.

_lan4846.jpg
Ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh phân tích việc phân khai và giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Đặc biệt, nhiều đại biểu tập trung phân tích việc phân khai và giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung tháo gỡ việc định giá đất, các dự án chậm triển khai, gặp vướng mắc (Cảng Hàng không Phan Thiết, các dự án thương mại du lịch, Novaworld Phan Thiết, sử dụng quỹ đất 2 bên đường 706B…), để tăng thu ngân sách trong năm 2024, hướng tới tự chủ ngân sách năm 2025… Ngoài ra, một số đại biểu cũng quan tâm đến tình trạng thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế khó khăn; đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên chưa đồng đều…

_lan4827.jpg
Các đồng chí trong Ban Thường vụ tại cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của các đại biểu rất chi tiết, cụ thể nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cũng như đề ra các nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong năm 2024. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu, hoàn thiện báo cáo trước khi trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến. Về nhiệm vụ, giải pháp liên quan thu chi ngân sách, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải đề ra các đề án cụ thể để thực hiện việc tự chủ ngân sách vào năm 2025… Bên cạnh đó, về Kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp và lộ trình tinh giản biên chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua, sẽ trình Ban Chấp hành trong thời gian tới.

_lan4809.jpg
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chỉ đạo tại cuộc họp 

Về thực hiện kế hoạch đầu tư công và các dự án quan trọng của tỉnh, đã có dự thảo kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp thu, nhấn mạnh sâu sắc về những hạn chế trong việc phân bổ xây dựng danh mục, tiến độ các dự án đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, phân tích sâu sắc những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, để năm 2024 và những năm tiếp theo, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo các dự án đầu tư công sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, thực hiện tốt phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư”.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý rằng, trong những năm tới, phải tính toán, khắc phục những hạn chế tỉnh đang mắc phải trong việc cân đối các nguồn vốn, công tác chuẩn bị đầu tư, rút kinh nghiệm để tránh tình trạng vốn chờ công trình, không tạo ra giá trị mới trong tăng trưởng GRDP…

Minh Vân, ảnh: N. Lân