Hội thảo đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị thanh long xanh

Kinh tế - Ngày đăng : 11:19, 18/11/2023

BTO-Ngày 17/11, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo “Đối tác công tư về đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh của khu vực tư nhân được tăng cường trong chuỗi giá trị thanh long xanh.” Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP và các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự án.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, ngày 12/1/2022 UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt khoản viện trợ từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam” tại huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.

z4890840429903_ecfb953cb300ea9877321b04566a5954.jpg
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội thảo 

Dự án có 4 hoạt động chính, gồm thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu; quảng bá, phát triển cho thương hiệu sản phẩm thanh long tỉnh Bình Thuận; hợp tác trong thúc đẩy chuyển đổi số trong việc quản lý và sản xuất thanh long; kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện môi trường, phát thải các bon thấp. Đến nay, dự án đã hỗ trợ về bóng đèn Led, hệ thống tưới; chứng nhận GlobalGAP… giúp bà con trong dự án nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, hình thành chuỗi cung ứng xanh. Đồng thời, góp phần sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Làm thay đổi tư duy, nhận thức, hướng đến hành động tích cực của một bộ phận người sản xuất trong và ngoài dự án về vấn đề biến đổi khí hậu.

z4890847977740_d72bc2718c1fefbc023b3fbb813d8495.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, dự án bước đầu thực hiện tốt chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trong đó đã xây dựng được phần mềm theo dõi dấu chân các bon, gắn với ghi chép nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời xây dựng được hệ thống tem nhãn, nhận diện thương hiệu, nhằm đẩy mạnh thương mại điện tử, thúc đẩy bán hàng đa kênh… cho sản phẩm thanh long. Đơn cử như HTX Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc) – 1 trong 4 HTX tham gia dự án hiện có 4 HTX thành viên liên kết. Quá trình sản xuất có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm phát thải các bon. Trong đó diện tích có ứng dụng đèn led là 72,76 ha, tưới tiết kiệm 18,71 ha; 24 thành viên liên kết đang ứng dụng chuyển đổi số trong chuỗi thanh long xanh và dự kiến 15 thành viên sẽ phát triển trong thời gian tới.

z4890856303477_70e3ed32743110528cefcd6133934010.jpg
Hỗ trợ bóng đèn Led cho các HTX tham gia dự án.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, một số định hướng tiếp theo của dự án là giám sát, hỗ trợ người sản xuất chủ động tham gia vào chuỗi thanh long xanh. Mặt khác, truyền thông sản phẩm xanh đến với người tiêu dùng để thúc đẩy người sản xuất chuyển đổi…

z4890852717498_1f7759459cfc1d4bc27650f7b0df8de6.jpg
Nông dân tham gia sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có gần 27.800 ha thanh long, tăng gần 40% so với năm 2011; sản lượng từ gần 400.000 tấn lên 594.000 tấn. Từ năm 2021 đến nay, giá thanh long luôn biến động ở mức thấp, sản lượng tiêu thụ ít, đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất thanh long của nông dân. Do đó, một trong những giải pháp thực hiện được đề cập trong thời gian tới là tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GAP. Cùng với đó, tăng cường thông tin sát với thị trường, chú trọng khuyến nông trong tổ chức xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ…

Kiều Hằng