Trung tâm Y tế Phan Thiết: Sớm phân tích, bóc tách số nợ để có hướng khắc phục
Y tế - Ngày đăng : 05:30, 20/11/2023
Chênh lệch con số
Theo kết luận thanh tra về nội dung sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) từ năm 2014 đến tháng 9/2019, Trung tâm Y tế Phan Thiết sử dụng kinh phí vượt quỹ BHYT cấp với tổng số tiền là 57,960 tỷ đồng. Qua các đợt giám định, kiểm tra, hiện nay số tiền còn lại không được BHXH tỉnh chấp nhận thanh toán từ năm 2016 đến hết năm 2019 (theo năm tài chính) là 20,421 tỷ đồng. Đây là số tiền do sử dụng kinh phí vượt quỹ BHYT cấp trong công tác khám chữa bệnh BHYT cho nhân dân, có liên quan đến chuyên môn và trách nhiệm quản lý của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) và ngành y tế.
Cụ thể, 1,198 tỷ đồng năm 2016, 13,077 tỷ đồng năm 2017, 4,032 tỷ đồng năm 2018. Riêng năm 2019 là 11,944 tỷ đồng; trong đó, BHXH tỉnh chấp nhận thanh toán số tiền 7,563 tỷ đồng, còn lại đang xem xét là 2,268 tỷ đồng. Hiện nay, Trung tâm Y tế Phan Thiết mất cân đối về tình hình thu, chi tài chính cộng các khoản nợ khác về thuốc, vật tư y tế với số tiền rất lớn. Tính từ thời điểm ngày 31/12/2022 trở về trước, khoản nợ là 67,707 tỷ đồng.
Theo BHXH tỉnh, chi phí khám chữa bệnh BHYT tại Trung tâm Y tế Phan Thiết mà BHXH tỉnh tiếp tục đề nghị BHXH Việt Nam xem xét thanh toán là 35,134 tỷ đồng và BHXH Việt Nam đang xem xét. Cụ thể, 6,089 tỷ đồng năm 2017, 2,434 tỷ đồng năm 2018, 11,944 tỷ đồng năm 2019, 14,666 tỷ đồng năm 2020. Với các lý do là vượt dự toán, vượt trần, vượt định mức kinh tế kỹ thuật, tiền giường phòng khám đa khoa khu vực chưa được thanh toán. Riêng năm 2019, 2020 là vượt tổng mức thanh toán.
Ông Đặng Minh Thông - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Số liệu giữa Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết và BHXH tỉnh có sự chênh lệch. Do thay đổi nhân sự, Trung tâm Y tế Phan Thiết không theo dõi và nắm bắt các số liệu đã được cơ quan BHXH thanh quyết toán bổ sung, số liệu chưa chấp nhận quyết toán, số liệu đang báo cáo chờ hướng dẫn theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP để giải quyết do vướng mắc từ cơ chế chính sách.
Nguyên nhân nào nợ hơn 67 tỷ đồng?
Tại Văn bản 6329 của Ủy ban nhân dân TP. Phan Thiết, giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Y tế Phan Thiết nhiều lần thay đổi nhân sự từ Ban giám đốc đến các bộ phận chức năng như Tài chính - Kế toán, Kế hoạch - Nghiệp vụ, Tổ chức - Hành chính… hầu hết đã nghỉ việc và chuyển công tác đến đơn vị khác. Mặt khác, từ tháng 7/2017, Bệnh viện thành phố Phan Thiết và Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết (cũ) hợp nhất thành Trung tâm Y tế Phan Thiết (nay) nên hồ sơ tài liệu bị thất lạc dẫn đến việc tổng hợp báo cáo gặp nhiều khó khăn. Hầu hết số tiền còn lại mà BHXH tỉnh chưa chấp nhận thanh toán do các nguyên nhân khách quan gồm vượt quỹ, vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán… Đây là khó khăn, vướng mắc chung của các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh.
Bộ phận kế toán của Trung tâm Y tế Phan Thiết cho biết: Số tiền hơn 67 tỷ đồng là tiền nợ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc của các công ty. Khoản nợ này do BHXH chưa chi trả kéo dài từ 2014 do vượt trần, vượt quỹ. Mặt khác, thời điểm năm 2014, đơn vị dùng số tiền mà BHXH tỉnh thanh quyết toán chi vào khoản làm thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Y tế Phan Thiết cân đối được nguồn thu chi.
Thanh kiểm tra toàn diện
Từ số liệu trên cho thấy Trung tâm Y tế Phan Thiết đang oằn lưng gánh khoản nợ lớn - mất cân đối trong thu chi, chưa xác định được trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo, viên chức có liên quan ở thời điểm từ 2014 - 2019. Khoản tiền nợ 67 tỷ đồng là tiền nợ của hơn 100 đối tác là các công ty cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao… dẫn đến tình trạng các công ty ngưng cung cấp thuốc, vật tư hóa chất phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Đó là chia sẻ của Trung tâm Y tế Phan Thiết.
Theo đó, Trung tâm Y tế Phan Thiết kiến nghị Sở Y tế, Ủy ban nhân dân TP. Phan Thiết xem xét chuyển các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra hoặc chuyển cơ quan điều tra để làm rõ các khoản công nợ của đơn vị đến nay không thể giải quyết liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban giám đốc cũng như các bộ phận tham mưu giai đoạn 2014 - 2020 nhằm tìm ra nguyên nhân để khắc phục.
Trước tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn về việc báo cáo khó khăn, vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ năm 2021 trở về trước, gửi về Bộ Y tế để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Mới đây, Ủy ban nhân dân TP. Phan Thiết kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tỉnh chủ trì, kiểm tra, phối hợp với sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của Trung tâm Y tế về số tiền sử dụng kinh phí vượt quỹ BHYT cấp đến hết năm 2019, còn lại hơn 20,4 tỷ đồng không được BHXH chấp nhận thanh toán và các khoản công nợ khác của đơn vị tính đến thời điểm 31/12/2022 trở về trước là 67,707 tỷ đồng.
Để khắc phục khó khăn, tồn tại cũng như ổn định tình hình nội bộ tại Trung tâm Y tế Phan Thiết, thiết nghĩ, sớm thanh kiểm tra toàn diện số nợ trên là cần thiết. Thông qua thanh kiểm tra toàn diện, số tiền nợ hơn 67 tỷ đồng sẽ được phân tích, bóc tách làm rõ số tiền khám, chữa bệnh BHYT không chấp nhận thanh toán đúng theo các văn bản hướng dẫn thực hiện thanh quyết toán, số tiền BHXH chưa thanh toán, số tiền mà BHXH tỉnh đã thanh quyết toán nhưng chi vào khoản làm thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế (năm 2014)… Một khi khoanh nợ, phân tích, bóc tách ra con số cụ thể, thì Trung tâm Y tế Phan Thiết sẽ thấy được nguyên nhân và có hướng khắc phục. Từ đó sẽ tăng cường năng lực quản lý tài chính, mua sắm tài sản công, thuốc, hóa chất, vật tư y tế... phục vụ công tác khám chữa bệnh, cũng như cân đối việc thu chi cho đơn vị.