Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW: Điểm sáng phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 05:13, 21/11/2023
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết tiêu thụ
Tánh Linh – vựa lúa trọng điểm phía Nam của tỉnh trong những ngày này từng ruộng lúa chín vụ mùa đã ngả màu vàng ươm, trĩu hạt, được thu hoạch bằng cơ giới hóa ngày càng hiện đại. Đây cũng là địa phương điển hình trong việc triển khai và thực hiện việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ - sản phẩm.
Trong đó, thương hiệu gạo hữu cơ Đức Lan, một sản phẩm OCOP 3 sao của hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, gắn với logo nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” (gạo ST 24 và OM 18) đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc HTX DVNN Đức Bình chia sẻ với chúng tôi rằng, trong vài năm qua, HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch từ 90 - 100 ha/ năm, sản lượng thu được khoảng 600 tấn/năm. Đồng thời, HTX gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đã mang lại hiệu quả như giảm được lượng giống gieo sạ giúp cây lúa khỏe, tiết kiệm 40% lượng giống, môi trường sản xuất không bị ô nhiễm nhờ sử dụng phân, thuốc có hoạt chất sinh học. Từ đó đã giúp cho các hộ nông dân là xã viên HTX có điều kiện áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất, sử dụng các sản phẩm sinh học, tạo ra chất lượng lúa, gạo an toàn, đạt theo tiêu chuẩn VietGAP để đóng bao bì tiêu thụ. Mục tiêu đạt được là nâng cao chất lượng hạt gạo Tánh Linh, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Lãnh đạo UBND huyện Tánh Linh cho biết, ngoài sản xuất lúa hữu cơ, diện tích sản xuất nông nghiệp được liên kết hàng năm của địa phương khoảng 2.700 ha lúa, 45 ha đậu các loại và 10 ha rau. Đồng thời đang tiếp tục liên kết trong hoạt động sản xuất từ đầu vào đến tay người tiêu dùng, giảm bớt và hạn chế các khâu trung gian không cần thiết…
Đây chính là một trong những ví dụ điển hình mà ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đạt được trong việc thực hiện chính sách “tam nông” trong thời gian qua.
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bình Thuận, hơn 1 năm qua, tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 19-NQ/TW) trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng phát sinh gây hại, giá cả nguyên, vật liệu đầu vào, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu và các mặt hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất tăng cao. Mặt khác, tình hình tiêu thụ một số nông sản, nhất là trái thanh long gặp nhiều khó khăn… Song tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đồng thời, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyên canh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm. Song song, tập trung đẩy mạnh sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện khí hậu.
Một trong những kết quả đạt được, từ tháng 6/2022 - 8/2023, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh đã phục tráng các giống lúa chủ lực của địa phương như ML 48, TH6, ML 202, ML 214, TH 41… Cùng với đó, sản xuất và cung ứng 187 tấn lúa giống các loại, 3.800 cây ăn quả các loại và hàng trăm con heo, bò giống chất lượng tốt phục vụ chương trình giống của tỉnh. Năm qua, Bình Thuận tiếp tục thực hiện cơ cấu lại trồng trọt theo hướng sản xuất quy mô lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các sản phẩm, cây trồng chủ lực, lợi thế của tỉnh. Kết quả cho thấy, năng suất lúa năm 2022 đạt 61,1 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha so năm 2021; nửa đầu năm 2023 đạt 66,9 tạ/ha, năng suất bắp năm 2022 đạt 65,5 tạ/ha. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 8.840 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm nước, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những quan điểm trong Nghị quyết 19-NQ/TW nêu rõ: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước… Đây cũng là mục tiêu mà tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục phấn đấu thực hiện trong thời gian tới để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, kết quả thực hiện các mục tiêu cụ thể sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 19: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 2,5%, năm 2023 ước đạt 2,81% (mục tiêu: 2,8 - 3,3%/năm); tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp năm 2022 đạt 4,34%, năm 2023 ước đạt 4,77% (mục tiêu tăng từ 7 - 8%/năm). Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2022 tăng 1,09 lần, năm 2023 ước tăng 1,13 lần. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 43,11%, ước 2023 duy trì 43%...