Thắt chặt tình đoàn kết, hỗ trợ đồng bào DTTS cùng phát triển

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:49, 21/11/2023

Cùng với các địa phương và cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó có chủ trương kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép đồng bào DTTS, diện mạo vùng đồng bào các DTTS ở Đức Linh nay có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí người dân nơi đây không ngừng được nâng lên…

Chuyển biến nhiều mặt

Huyện Đức Linh có 10 xã và 2 thị trấn với 82 thôn, khu phố. Tính đến cuối năm 2022, dân số toàn huyện khoảng 127.000 người. Huyện có 25 dân tộc thiểu số với 1.071 hộ/4.254 khẩu, trong đó chủ yếu là dân tộc K' ho và Châu Ro, sống tập trung tại thôn 4 (xã Trà Tân), thôn 7 (xã Đức Tín), thôn 9 (xã Mê Pu). Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về chủ trương kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh xác định hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do đó, huyện đã phân công 12 cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ 3 thôn xen ghép đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

z4895014591811_6f9d7fc63799fab5101bc57f39eed942.jpg
z4895011150359_0e8cc1a1482f7bc7a322090168c806dc.jpg
Đường giao thông ở làng dân tộc Châu Ro, thôn 4, xã Trà Tân.

Bằng tình cảm và trách nhiệm gắn bó với các thôn xen ghép đồng bào DTTS, các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ đã triển khai các biện pháp, việc làm cụ thể nhằm hỗ trợ nhân dân phát triển trên tất cả các mặt của đời sống. Công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng được tập trung đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả. Trong 10 năm qua, tại 3 thôn xen ghép, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 56 đợt tuyên truyền để nhân dân biết âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, giáo dục học đường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới với sự tham gia của hơn 7.300 lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Bên cạnh, việc phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện các chương trình, dự án, chính sách cho đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện, trong đó có việc mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất để phát triển kinh tế. Đơn cử, tại thôn 4 (Trà Tân) đã tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rau an toàn, nuôi bò lai sind, nuôi bê, dạy nghề, hỗ trợ mô hình chăn nuôi gà. Tại thôn 7 (Đức Tín), trong 10 năm đã tổ chức 12 lớp/398 người về cách chăm sóc bò sinh sản, dê sinh sản; nuôi gà lấy trứng. Tại thôn 9 (Mê Pu) đã tổ chức 4 tập huấn về chăn nuôi bò, gà, lớp kỹ thuật trồng măng tây, hỗ trợ giống bắp lai năng suất cao.

Song song đó, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc xây dựng, sửa chữa các công trình, trụ sở ở thôn, các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hỗ trợ xây dựng mô hình “ánh sáng an ninh” cũng được các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia thực hiện. Các hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thực hiện thường xuyên. Trong 10 năm đã tặng 1.759 phần quà với tổng trị giá gần 840 triệu đồng bằng tiền và hiện vật (ti vi, xe đạp, hệ thống âm thanh tại các trụ sở nhà văn hóa...); hỗ trợ xây dựng mới 2 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 100 triệu đồng, hỗ trợ 400 ngày công khắc phục, sửa chữa 6 căn nhà hư hỏng do thiên tai. Phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho 475 lượt người với kinh phí hơn 50 triệu đồng; hỗ trợ khắc phục khó khăn đột xuất cho 132 trường hợp trong đợt dịch Covid-19 với kinh phí hàng chục triệu đồng...

Từ các hoạt động thiết thực trên đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại các thôn xen ghép đồng bào DTTS, đời sống đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Được biết năm 2014, số hộ nghèo tại 3 thôn DTTS ở Đức Linh là 206 (chiếm 32%), đến nay số hộ nghèo còn 68 hộ (chiếm 9,4%). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các thôn đồng bào DTTS được giữ vững, ổn định.

z4895040959759_d5e8042d5e35a9473bb362a2c8a86ed9.jpg
Thi văn nghệ mừng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các thôn dân tộc thiểu số xã nông thôn mới ở huyện Đức Linh.

Gắn bó với đồng bào DTTS

Huyện ủy Đức Linh cho biết, hiện nay, tình hình đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, rõ nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã và đang được nhân rộng trong nhân dân. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn xen ghép đồng bào DTTS còn cao; trình độ, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số ít người có tính ỷ lại, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Do khó khăn về kinh phí nên việc các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cho các thôn xen ghép chưa nhiều, chưa thường xuyên. Điều đó đặt ra yêu cầu cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước về công tác dân tộc để trong quá trình thực hiện cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành của huyện với các xã có đồng bào DTTS.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào DTTS về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của đồng bào. Vận động đồng bào tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường. Đức Linh sẽ liên kết với các tổ chức, trường đào tạo nghề, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để đồng bào ứng dụng vào phát triển kinh tế, giảm nghèo; hỗ trợ, giúp đỡ các xã xây dựng một số công trình phục vụ đời sống dân sinh, các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả.

Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội ở cơ sở củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS ngày càng vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trong đó chú trọng công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, xây dựng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng người tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào DTTS có nhiều đóng góp xây dựng địa phương. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị được phân công hỗ trợ giúp đỡ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung quy chế phối hợp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở, bám sát cơ sở, gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS nhằm kịp thời phản ánh, đề xuất cấp ủy, chính quyền những biện pháp, giải pháp để giải quyết những khó khăn, bức xúc phát sinh trong đồng bào DTTS.

LÊ PHÚC