Nỗi khổ của 5 mẹ con nghèo không hộ khẩu
Bạn đọc - Ngày đăng : 05:28, 22/11/2023
Nỗi khổ
Gặp Huỳnh Thị Mực, 38 tuổi ở chợ Hồng Liêm, thôn Liêm Thuận thuộc xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tôi không nghĩ Mực có cuộc sống khổ đến vậy. Dẫu biết sướng khổ là do mình quyết định, nhưng trong hoàn cảnh của Mực, nếu biết cân nhắc kỹ trước khi đến với người đàn ông thứ hai thì cuộc đời sẽ sang trang mới tốt đẹp hơn.
Mực dẫn tôi vào chỗ bày bán vài trái bí đao và khoai mì trên sàn chợ, nơi có đứa con thứ tư gần 3 tuổi của Mực ngủ bên cạnh, đứa thứ ba sinh năm 2018 cũng ở đây, trong khi 2 đứa lớn sinh năm 2016 và 2017 thì đi học ở trường. 4 đứa trẻ này là con của người chồng không hôn thú, Mực còn có 2 người con nữa đang sống với người chồng cũ đã ly hôn ở Phú Yên.
“Chị qua bên kia ngồi trò chuyện”, Mực vừa nói vừa cùng tôi đi về hướng bãi đất trống, nơi đủ gần để quan sát được chỗ bán và đứa bé đang ngủ, rồi bắt đầu câu chuyện của đời mình. “Cách đây hơn 10 năm, Mực có một gia đình hạnh phúc, với 2 con trai kháu khỉnh, sinh năm 2009, 2010, sống ở Hồng Liêm, rồi chuyển ra quê chồng ở phường Long Phú, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Không lâu sau, Mực lại một mình đưa các con về quê nhà ở thôn Liêm Thuận, sinh sống do mâu thuẫn với bên chồng. Quá trình kiếm sống mưu sinh, Mực sống như vợ chồng với người đàn ông là T.V.H ở phường Mũi Né, Phan Thiết, sinh thêm liên tiếp 4 người con. Ông này nghiện ma túy, thường xuyên đánh đập vợ con, bỏ nhà đi tùy thích, rồi đi theo người đàn bà khác… Mực lau nước mắt nói thêm và thỉnh thoảng liếc mắt nhìn đứa con đang ngủ trong chợ.
Để có tiền nuôi con, Mực tay xách nách mang làm đủ việc, với sáng bán ở chợ Hồng Liêm, chiều lại về chợ Chiều (chợ Bàu Ốc) ở xã Bình Tân, huyện Bắc Bình lân cận bán. Khổ nhất là những lúc con cái bệnh tật, “Con em nuôi khó, cứ một đứa bệnh là đứa khác bệnh theo. Có những khi một mình em ở bệnh viện chăm con không làm ra tiền phải đi vay mượn”, Mực chia sẻ. Năm 2022, nhóm thiện nguyện Lá Về Chiều ở Tp. Phan Thiết do ông Hồ Văn Nhung làm trưởng nhóm, nghe được thông tin về hoàn cảnh của mẹ con Mực. Nhóm đã đi xác minh và làm việc với UBND xã Hồng Liêm về trường hợp của Mực. Ông Hồ Văn Nhung cho biết: Mẹ con cô Mực sống nheo nhóc ở chợ Hồng Liêm, không có hộ khẩu, nhà cửa. Chúng tôi làm việc với UBND xã Hồng Liêm, tìm phương án giúp đỡ bằng việc xây cho mẹ con cô ấy một căn nhà tình thương. Nhưng UBND xã không còn quỹ đất, nên Mực mua hơn 30m2 đất nông nghiệp với giá 20 triệu đồng của ông Huỳnh Tám, anh trai của Mực, trả góp hàng tháng. Sau đó, Nhóm đã đi quyên góp và xây cho mẹ con cô ấy một căn nhà trị giá hơn 75 triệu đồng, cùng một số vật dụng sinh hoạt gia đình”.
Mong có hộ khẩu
Ở trong ngôi nhà xây kiên cố cả đời không dám mơ, Mực mừng vô kể, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn khi con cái tới tuổi đến trường. Nếu thuộc diện hộ nghèo sẽ được hưởng chế độ chính sách giảm chi phí con cái học hành và bệnh tật ốm đau. Nhưng mẹ con Mực không được hưởng mặc dù trong diện được hưởng, vì không có hộ khẩu ở Hồng Liêm, hơn nữa nhà ở trên đất chưa hợp pháp.
Hộ khẩu của Mực còn đang ở nhà chồng cũ dù đã ly hôn. Muốn cắt khẩu về Hồng Liêm, phải nhờ anh, chị, em hoặc ai đó ở Hồng Liêm cho 5 mẹ con nhập vào hộ khẩu gia đình của họ. Sau đó mới tách 5 mẹ con ra thành một hộ khẩu riêng để được xét vào hộ nghèo. Tuy nhiên, theo quy định mới, muốn trở thành hộ nghèo phải có nhà ở hợp pháp, nghĩa là có nhà xây trên đất thổ cư. Trong khi đó, nhà tình thương của 5 mẹ con đang ở trên đất nông nghiệp, chung với thửa đất của chủ hộ Huỳnh Tám. Để tách thửa ra lên thổ cư thì không thể vì đối với đất nông nghiệp phải đủ 1.000m2 mới được tách, trong khi đất của mẹ con Mực chỉ có hơn 30m2.
Phòng Tư pháp, Phòng LĐTB&XH huyện Hàm Thuận Bắc cũng như UBND xã Hồng Liêm đã quan tâm mẹ con Mực, nhưng chưa có cách giải quyết. “Trường hợp của bà Mực rất khó xét hộ cận nghèo, hộ nghèo vì không có chỗ ở hợp pháp, phù hợp với Luật Cư trú, và Nghị định 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025”, ông Đặng Văn Hùng – Phó Phòng LĐTB&XH huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.
Cuộc sống của mẹ con bà Mực đang gặp khó khăn, ngành chức năng cần quan tâm có giải pháp tháo gỡ giúp đỡ, để Mực bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền, yên tâm làm ăn giáo dục con cái học hành nên người.