Cảnh giác những chiêu lừa cuối năm

Pháp luật - Ngày đăng : 05:32, 23/11/2023

Thời gian gần đây, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng “chóng mặt” khiến người dân khá hoang mang. Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã điểm mặt 24 hình thức lừa đảo chia thành 3 nhóm chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) đang diễn ra trên không gian mạng, nhưng vẫn không ít người vì cả tin vẫn bị các đối tượng dẫn dắt mất tiền từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Đủ chiêu trò

Đặc biệt dịp cuối năm, các đối tượng nghĩ ra rất nhiều chiêu trò, nếu không tỉnh táo, cảnh giác, người dân rất dễ mắc bẫy. Đây là thời điểm các công ty du lịch, các khách sạn, homestay tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi, tour giá rẻ cho các ngày nghỉ lễ sắp tới như Noel, Tết Dương lịch. Các đối tượng này thường tạo các fanpage, facebook, website giả, mạo danh các công ty du lịch lớn rồi đăng tải các tour, tuyến với giá rất hấp dẫn (rẻ hơn một nửa) nhằm lừa khách hàng đặt cọc trước từ 30 – 50% rồi chiếm đoạt tài sản. Ở Phan Thiết, cũng có nhiều trang web mạo danh các resort, nhà nghỉ y hệt khiến cho du khách, những người có nhu cầu đặt phòng tại cơ sở không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Nhiều người nhầm lẫn vô tình liên hệ, rồi chuyển khoản đặt cọc trước, nhưng sau đó thì khách hàng không thể liên lạc được. Có du khách cứ chắc là đã đặt được phòng và lên kế hoạch đi du lịch, khi đến nơi nhận phòng thì bị cơ sở từ chối, vì không nhận được bất cứ thông tin nào từ khách, khi đó mới biết mình bị lừa.

z4866182682671_e72f74a0e5149400bbfd3ca423c20c8a.jpg
Nhiều trang giả mạo VTV7, đưa thông tin sai lệch.

Tuy nhiên, không chỉ riêng khách đi du lịch mới bị lừa, mà chủ các nhà nghỉ, homestay cũng cần cảnh giác với những vị khách “từ trên trời rơi xuống”. Mới đây, 1 homestay ở phường Thanh Hải (TP. Phan Thiết) nhận đặt phòng từ 1 cặp vợ chồng ở tỉnh khác. Họ báo đến ở 2 đêm, chuyển tiền cọc (1 triệu đồng) đàng hoàng. Chị M. chủ homestay chẳng chút nghi ngờ gì. “Hơn 12 giờ trưa, họ đi taxi đến nhận phòng mang theo hành lý nhiều lắm. Sau khi đưa hành lý lên phòng, chỉ 15 phút sau, họ liên hệ bảo tôi cho thuê xe máy để chở vợ kiếm gì ăn. Họ yêu cầu xe tay ga vì không quen đi xe số, vợ lại mang bầu 6 – 7 tháng nên muốn an toàn, hỏi địa chỉ ăn uống, vui chơi… rồi lái chiếc Airblade của gia đình đi. Đến tối không thấy vợ chồng họ quay lại, tôi sinh nghi lên phòng họ xem, mở vali hành lý ra mới hỡi ôi toàn vải, giấy vụn… Thứ duy nhất chúng tôi giữ lại là CMND mà nghi cũng là giả”, chị M. buồn rầu kể lại.

Với đủ các chiêu trò lừa đảo dịp cuối năm, nếu ước tính mỗi ngày kẻ gian lừa gạt một vài nạn nhân thì thiệt hại rất nhiều. Không riêng ngành du lịch, mà hầu hết các ngành nghề đều có khả năng các đối tượng nhắm đến. Do đó, người dân cần cẩn trọng khi tham gia mạng xã hội. Đối với những facebook, fanpage có dòng chữ “được tài trợ”, nhất là những trang mua bán, trang quảng cáo thi Tài năng nhí, Siêu mẫu nhí, Tìm kiếm tiếng Anh nhí và mới đây là Vua đầu bếp nhí… thì phải tỉnh táo nếu họ chủ động nhắn tin riêng và mời đăng ký cho con tham gia. Với các cuộc thi này, hình thức lừa đảo na ná nhau, các đối tượng sẽ dụ dỗ vào nhóm zalo, hoặc Telegram để trao đổi, làm nhiệm vụ nhấn like quảng cáo, mua sản phẩm để được thưởng tiền từ 50.000 đồng và tăng dần lên đến hàng trăm triệu đồng…

398357847_708434054648339_1331415720435245608_n.jpg
Những trang quảng cáo thi Tài năng nhí, Siêu mẫu nhí, Tìm kiếm tiếng Anh nhí, Vua đầu bếp nhí giả mạo.

Sử dụng tên định danh

Được biết, từ ngày 27/10 vừa qua, tất cả số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Các cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng như: VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone); VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT); LOCAL (nhà mạng ASIM)… Do đó, các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ TT&TT hay doanh nghiệp viễn thông, nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Thời gian qua, các cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo cơ quan nhà nước, tổ chức, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Thậm chí, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước còn xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mạo danh giáo viên, hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện cho phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện và yêu cầu người nhà phải chuyển tiền ngay để đóng viện phí. Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có dấu hiệu gia tăng. Các cuộc gọi từ “sim rác” liên tục làm phiền người dân, doanh nghiệp. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau. Với bất cứ yêu cầu nào chuyển tiền qua mạng, nhận quà miễn phí, người dân phải bình tĩnh, xác minh nhiều kênh rõ ràng, để không phải mất tiền oan.

Do đó, việc Bộ TT&TT và các nhà mạng sử dụng tên định danh cho các số điện thoại có tương tác với người dân góp phần phòng, chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Minh Vân