Chữa “căn bệnh sợ trách nhiệm”

Chính trị - Ngày đăng : 05:20, 24/11/2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật.

Song trong thực tế hiện nay, tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm là một “căn bệnh” đang hiện hữu trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nhận diện rõ và để xử lý, đẩy lùi căn bệnh này, Tỉnh ủy Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

tbt.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Ai bàn lùi, né tránh trách nhiệm thì đứng sang một bên”.

Biểu hiện và nguyên nhân

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ, đảng viên, công chức tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Tình trạng này đã tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là sau khi cơ quan chức năng khởi tố, xét xử một số cán bộ nguyên chức và đương chức của tỉnh liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhận diện một số biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đối với lãnh đạo quản lý, nổi rõ là không chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách; không thể hiện chính kiến trong tham mưu, chỉ đạo, xử lý công việc. Không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tham mưu đề xuất, chỉ đạo, xử lý công việc theo ý chủ quan của mình nhằm giữ an toàn cho bản thân, không quan tâm đến sự ách tắc, trì trệ công việc chung. Không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, địa phương, đơn vị mình; không báo cáo hoặc chậm báo cáo, báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không đúng kết quả thực chất việc thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cơ quan, địa phương, đơn vị mình. Không ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách; các vấn đề lớn, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, chưa có tiền lệ; các công việc nổi cộm, bức xúc liên quan đến địa bàn, lĩnh vực đang công tác. Tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức không giữ chức vụ thì không sâu sát, tích cực, chưa làm hết trách nhiệm trong công việc; tham mưu, giải quyết công việc không cụ thể, không rõ ràng, làm cho xong việc, kéo dài thời gian giải quyết công việc, “ngâm” việc, “chuyện dễ thì làm, khó thì bỏ qua”. Thiếu ý chí phấn đấu, thiếu động lực làm việc, không cầu tiến, an phận, sợ thực hiện việc khó, sợ sai hoặc lựa chọn những vị trí, lĩnh vực công tác “an toàn”, ít rủi ro, ít áp lực. Thụ động, không quyết đoán, trông chờ và chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên hoặc dựa vào tập thể để quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của cá nhân.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay, Trung ương chưa có quy định cụ thể về hành vi và chế tài xử lý hành vi né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, do đó, chưa có biện pháp để xử lý nghiêm đối với các hành vi này. Bên cạnh đó, chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức còn thấp so với mặt bằng chung về thu nhập của xã hội, trong khi khối lượng công việc phải xử lý, giải quyết ở các cấp, các ngành, địa phương ngày càng nhiều, trách nhiệm đòi hỏi ngày càng cao, dẫn đến nhiều cán bộ, công chức nghỉ việc; một bộ phận cán bộ, công chức làm việc cầm chừng với tư tưởng “tương xứng với tiền lương” hoặc sử dụng, tranh thủ thời gian làm việc trong giờ hành chính để làm việc cá nhân, kiếm thêm thu nhập nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế gia đình. Ngoài ra, người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa quyết tâm, quyết liệt, chưa sâu sát, tập trung đúng mức; thiếu phương thức, biện pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả; chưa thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là những việc khó, còn có vướng mắc đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao; chưa thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi công việc của cán bộ, công chức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc; nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sợ trách nhiệm; thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích vật chất. Công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc, còn nể nang, ngại va chạm, chưa đúng thực chất. Năng lực, trình độ của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu chức danh, yêu cầu công việc, thiếu kỹ năng... dẫn đến ngại việc khó, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

t4-4.jpg

Nghiêm túc chấn chỉnh

Nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo nguyên tắc “một nhiệm vụ, một việc giao một đơn vị, một cá nhân chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành”. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế làm việc bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, nhất quán, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xác định, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu, người thực hiện công tác quản lý, điều hành. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; kiểm tra hoạt động công vụ, tác phong, lề lối làm việc… nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các tổ chức, cá nhân có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng sợ trách nhiệm không dám làm. Tập trung triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị giỏi, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, cán bộ nghiên cứu chuyên sâu trên một số lĩnh vực, cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế...; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, vi phạm kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc hoặc để địa phương, đơn vị phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế, đầu tư của tỉnh, mất đoàn kết nội bộ, tín nhiệm thấp, dĩ hòa vi quý, có dư luận và đơn thư phản ánh tiêu cực, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu. Thực hiện nghiêm túc công tác lấy phiếu tín nhiệm cán bộ và Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, nhất là đối với các trường hợp cán bộ uy tín giảm sút, không còn động lực làm việc, năng lực yếu.

Tin rằng, với những giải pháp mà Tỉnh ủy Bình Thuận đưa ra, sẽ khắc phục được “căn bệnh” né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, qua đó tháo gỡ “nút thắt” từ nhân tố con người để tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững.

Bảo Tín