Mùa gặt xưa

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:10, 24/11/2023

Trong những bản nhạc viết về mùa màng Việt Nam, 2 cố nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy đều có những ca khúc rất hay. Văn Cao có ca khúc Ngày mùa nổi tiếng từ rất lâu.

Ngày mùa của Văn Cao là bài hát ca ngợi vẻ đẹp, sức sống, sự kiên cường của người nông dân Việt Nam: “Ngày mùa vui thôn trang/ Lúa reo như hát mừng/ Lúa không lo giặc về/ Khi mùa vàng thôn quê...”. Phạm Duy lại cho cái cảm giác rộn ràng, hớn hở, với niềm vui nhanh bước của người nông dân khi được mùa qua từng ca từ và nhịp điệu bài Gánh lúa: “Gánh gánh gánh, gánh thóc về/ Gánh thóc về, gánh thóc về/Gánh về! Gánh về! Gánh về! Gánh về!”.

mua-gat.jpg

Ngày xưa, mỗi lần mùa gặt đến là cả xóm thôn đều chộn rộn, nào lo công gặt, sân bãi đạp lúa, phơi lúa rồi bồ, ví... đựng lúa. Nói chung mọi thứ cho mùa gặt đều phải sẵn sàng. Xóm làng chia nhau đi gặt vần công, xong gia đình này, đến gia đình khác. Từ người lớn đến trẻ em, công việc đều luôn tay. Đàn ông lo những việc nặng như gom lúa, bó lúa, đạp lúa, đập lúa... Phụ nữ lo gặt lúa, gánh lúa, giê, phơi... Trẻ em thì chăn giữ trâu bò, đưa cơm ra ruộng... Lúa hồi ấy nông dân cấy, sạ là giống lúa mùa, từ gieo cấy đến khi lúa chín kéo dài 6 tháng, mỗi năm chỉ làm một vụ. Được mùa thu hoạch là cả thời gian dài hồi hộp, đợi chờ. Ngày làm tháng ăn mà! Được mùa lúa là được cả mùa vui, là bội thu tiếng cười của người nông dân. Mùa gặt đến, dưới cánh đồng lúa chín vàng ươm, những bà, những chị hái liềm soàn soạt lia nhanh, từng nạm lúa trĩu hạt được các bà, các chị trải đầy mặt ruộng. Tiếng nói, cười chen nhau xua tan hết mệt nhọc. Cánh đàn ông lo gom lúa, bó lúa. Lũ trẻ thì lần theo từng vũng nước sền sệt dưới chân gốc rạ mò cá, mò cua. Chiều xuống, từng đoàn người kĩu kịt gánh lúa trên vai, những bông lúa hạt no tròn vàng mẫy đong đưa theo nhịp bước. Lúa sau khi gánh về nhà được chất thành đống, khi đêm xuống, trăng lên, lúa được rải ra sân cho trâu đạp. Trên cái sân gạch rộng người dắt trâu, người xẫy rơm, người giũ rạ, người gom lúa... Thỉnh thoảng ai đó cất lên điệu hò khoan đối đáp trêu ghẹo nhau, niềm vui được mùa như nhân lên gấp bội. Cứ thế trâu với người mải miết công việc cho đến khi trăng lên chót vót. Lúa đạp xong, các bà, các chị đợi gió lên đem giê cho sạch rơm rạ, hạt lép, khi gió yếu họ dùng những chiếc quạt đan bằng tre to đùng quạt thay gió. Lúa sạch rồi mang ra sân phơi, phơi đủ nắng cho vào sập vào bồ để cất. Lúa mới được các bà, các chị cho vào cối xay hoặc giã cho đến khi bong tróc hết lớp vỏ lộ ra hạt gạo trắng ngần. Gạo mới được cho vào chiếc nồi đồng để nấu, khi gạo chín thành cơm, nồi cơm mới tỏa mùi thơm rạo rực. Những chén cơm đầu tiên của mùa gặt được đơm cúng tạ thần linh, đất đai, tổ tiên đã phù hộ, sau đó mới đến bữa ăn sum họp của gia đình. Có lẽ đây là bữa ăn ngon nhất trong năm. Rơm cũng là những sản phẩm quý với người nông dân. Rơm dùng để đun nấu, dùng làm thức ăn cho trâu bò, dùng để che chắn rau màu cho khỏi bị mưa trôi, giập... Rơm được nông dân phơi khô rồi xây thành cây cao nghều, cần đến đâu rút dùng đến đó. Ngoài đồng, khi mùa gặt đã qua, chân ruộng đã khô, người nông dân bắt đầu gom rác đốt đồng. Cánh đồng cuối vụ, từng ngụm khói trắng cuộn bay trong gió, mang theo mùi khen khét, nồng nồng rơm rạ. Cái mùi mà cả cào cào, châu chấu và lũ chim loắt choắt mỗi lần nghe là cứ sà đến lượn vòng như cố níu theo để ngửi, để nhặt từng sợi khói. Và tôi cũng vậy, cái mùi ấy đã theo tôi suốt cả cuộc đời.

Bây giờ khoa học tiến bộ, giống lúa mới ngắn ngày, một năm gieo sạ được mấy vụ. Chuyện gặt hái không còn vất vả như hồi xưa. Cảnh gánh lúa về nhà cho trâu đạp, hoặc cánh đàn ông đứng phơi mình dưới nắng đập từng bó lúa, có còn chăng cũng rất hiếm. Liềm hái nhà nông bây giờ rảnh rỗi đi nhiều. Các bà, các chị cũng không phải một sương hai nắng đồng cạn, đồng sâu. Thay vì gặt tay bây giờ đã có máy gặt, những cánh đồng nhỏ, hẹp thì người ta dùng máy phát cỏ chế thành máy gặt để gặt, năng suất gấp mấy chục lần gặt tay, đập lúa đã có máy tuốt. Những cánh đồng lớn người ta thuê cả dàn máy liên hợp vừa gặt, vừa tuốt, vừa sàn sảy, vừa vô bao, người nông dân chỉ việc thuê xe chở về nhà phơi là xong. Rơm rạ có người đến tận chân ruộng để mua. Giá rơm cũng cao ngất, tiền bán rơm dư sức để trả tiền thuê máy móc. Nói chung người nông dân ngày nay so với trước đây sướng hơn nhiều.

Lang thang miền ký ức về mùa gặt xa xưa, chợt nghe thèm quá cái mùi cơm mới “nàng hương”, “nàng út” thơm lừng bày trên chiếu đất!  

NGÔ VĂN TUẤN