Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”: Tiềm năng du lịch Tuy Phong được khơi dậy
Du lịch - Ngày đăng : 06:19, 24/11/2023
Khi nhiều yếu tố thuận lợi hội tụ
Là huyện nằm phía bắc của tỉnh, Tuy Phong có chiều dài bờ biển trên 50 km với nhiều bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp. Thời gian qua, không gian phát triển du lịch trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung tại Khu du lịch Bình Thạnh với chùa Cổ Thạch và bãi đá 7 màu. Sản phẩm du lịch được xác định là du lịch tín ngưỡng, tham quan di tích lịch sử văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và các hoạt động thể thao trên biển. Thế nhưng, trong tháng 5 vừa qua, hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) đã đưa vào sử dụng, đã phát huy hiệu quả; tuyến xe buýt Ninh Thuận – Tuy Phong - Bắc Bình được đưa vào vận hành, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách; các bến cảng, tàu du lịch được cấp phép đưa vào khai thác phục vụ du lịch, tham quan đảo Hòn Cau. Bên cạnh đó, Tuy Phong cũng đã chú trọng thu hút đầu tư, phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Huyện đã chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”; phối hợp sở, ngành tỉnh tổ chức Chương trình liên kết phát triển du lịch “Hành trình Biển và Hoa” giữa Lâm Đồng và Bình Thuận và đưa vào thử nghiệm cung đường Tà Năng - Phan Dũng góp phần tạo ra sản phẩm thu hút, khai thác phát triển du lịch sinh thái rừng núi. Huyện đã duy trì các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng khác tạo nên nét đa dạng về văn hóa như: Lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch), Lễ hội Xuân Thu nhị kỳ các đình làng, Lễ hội Cầu ngư các hội vạn lạch, Lễ tưởng niệm di tích Cát Bay, Hội thi Đờn ca tài tử... Gần đây, một bước đi tạo tính đột phá của huyện là phát triển mạnh du lịch nông thôn. Những vườn nho, vườn táo được trồng theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… luôn là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến đây.
Hội tụ những yếu tố cần thiết nên lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đến giữa tháng 11/2023 là 1.282.072 lượt khách (trong đó: Số lượt khách lưu trú tại Khu du lịch Bình Thạnh: 173.406 lượt khách; khách vãng lai: 1.087.322 lượt khách; số lượt khách ra đảo Hòn Cau: 11.614 lượt khách; số lượt khách theo tuyến Tà Năng - Phan Dũng: 9.730 lượt khách), đạt 89%. Ước thực hiện cuối năm 2023 thu hút khoảng 1.500.000 lượt khách, đạt 104,16% kế hoạch. So cùng kỳ tăng 36% (năm 2022: 1.102.649 lượt khách).
Lối mở cho du lịch Tuy Phong
Để du lịch được cất cánh thuận lợi, Tuy Phong cũng tập trung triển khai chương trình kích cầu nội địa nhằm thu hút du khách; đồng thời, chủ động tổ chức một số hoạt động về văn hóa, thể thao, du lịch, các lễ hội truyền thống… để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Tuy Phong và các tiềm năng, lợi thế du lịch, góp phần củng cố, phát triển du lịch của huyện. Tuy nhiên, du lịch Tuy Phong vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn khi mà trong quy hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh Bình Thuận cũng chưa đề cập nhiều đến du lịch Tuy Phong. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư phát triển du lịch huyện còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện còn đơn điệu; thực hiện liên kết hình thành tour, tuyến với các điểm du lịch khác ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận chưa nhiều...
Trước những khó khăn trên, huyện Tuy Phong sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy du lịch Tuy Phong. Trong đó, Tuy Phong đặc biệt mong muốn tỉnh quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng vành đai biển tiếp nối với Quy hoạch tổng thể Khu đô thị du lịch Bình Thạnh nhằm tạo chuỗi liên kết phát triển du lịch từ Khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh hướng về thị trấn Liên Hương - kết nối xã Phước Thể (đảo Cù Lao Câu) khoảng 4 km. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư nâng cấp tuyến đường Liên Hương - Bình Thạnh nhằm tạo cảnh quan môi trường, tính liên kết vùng tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo) đã đưa vào khai thác, kết hợp tuyến Tà Năng - Phan Dũng nhằm tạo nên một vành đai du lịch chung phía bắc của tỉnh gắn với phát triển sản phẩm du lịch đa dạng về sinh thái rừng - biển - đảo (Hòn Cau).
Những định hướng, những giải pháp cộng với những yếu tố thuận lợi như giao thông được kết nối, thời tiết nắng ấm quanh năm, ẩm thực vùng miền phong phú... hội tụ lại. Tin rằng, tương lai không xa du lịch Tuy Phong sẽ đón lượng khách nhiều nơi về hơn.