Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hàm Thuận: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 06:23, 24/11/2023
Với đặc thù là trường giáo dục chuyên biệt, công tác tổ chức dạy học tại Trường PTDTNT Hàm Thuận luôn phải tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ. Đó là dạy và học như các trường phổ thông cùng cấp học theo quy định và nhiệm vụ thực hiện các hoạt động đặc thù. Thầy Nguyễn Văn Tới – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hàm Thuận cho biết: Năm học 2023-2024, toàn trường có 8 lớp (khối 6,7,8,9 có 2 lớp) với 256 học sinh/189 nữ gồm có 6 dân tộc Cơ ho, Chăm, Gia rai, Raglai, Tày, Kinh đến từ các xã, thôn thuần đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Về cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo, toàn trường có 8 phòng học và các phòng chức năng có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng cho việc tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường. Ngoài ra, trường có khu nội trú rộng, thoáng mát với diện tích hơn 8.000 m2 gồm 2 khu ký túc xá và 1 nhà ăn đảm bảo cho việc ăn ở, sinh hoạt cho học sinh tại trường.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đối với Trường PTDTNT, những năm học qua nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh trên lớp. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, giáo viên coi trọng việc giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà. Cùng với đó, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Đổi mới phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh…
Bên cạnh dạy chữ, nhà trường chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng nhân cách cho học sinh. Trường đã tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa như giúp học sinh tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vị thành niên; về ý thức chấp hành luật giao thông, phòng chống bạo lực học đường, phòng tránh ma túy, đuối nước... nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết. Nhà trường còn coi trọng việc giáo dục cho các em về nét đẹp văn hóa, biết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình… Đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học, Ban giám hiệu trường, giáo viên chủ nhiệm cùng bộ phận quản lý học sinh đến gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh và vận động các em ra lớp. Ngoài ra, với đặc thù là trường giáo dục chuyên biệt, trường đã thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách với học sinh dân tộc nội trú theo đúng quy định. Nhờ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, riêng năm học 2022 - 2023 tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng 100%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS 100%, tỷ lệ đỗ vào lớp 10 DTNT tỉnh 100%; trong năm học qua chỉ có 1 học sinh bỏ học giữa chừng (tỷ lệ 0,39%). Hiện Trường PTDTNT Hàm Thuận đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, theo thầy Tới, trong thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên chưa được đào tạo dạy học liên môn nên còn khó khăn trong việc phân công giảng dạy các môn tổ hợp khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý của lớp 6, 7, 8. Mặt khác, thiết bị dạy học lớp 7, 8 hiện vẫn chưa cấp phát gây khó khăn trong việc dạy học, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giờ dạy và tiếp thu bài của học sinh.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian tới nhà trường tiếp tục thực hiện tốt công tác giảng dạy và học tập theo Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, 7, 8. Đồng thời tổ chức lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 9 phù hợp với điều kiện của nhà trường; tập huấn sách giáo khoa lớp 9 nghiêm túc nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học 2024 - 2025. Cùng với đó là tổ chức dạy tăng tiết cho học sinh ở một số môn như toán, văn, Anh. Thực hiện tốt việc phân luồng học sinh lớp 9 sau tốt nghiệp THCS và thi kiểm tra sát hạch vào lớp 10 PTDTNT tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.