Thương cho roi cho vọt?

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:25, 24/11/2023

Ngày 20/11 đi qua, xã hội tôn vinh nghề nhà giáo cao quý nhất. Bàn chuyện dạy và học, mái trường thân yêu và tri ân thầy cô vẫn mãi là những câu chuyện rất thú vị, được mọi người, mọi nhà quan tâm.

Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở, học sinh tuổi trăng tròn phản đối cách xử phạt trò vi phạm khuyết điểm bằng hình thức nhặt rác, đứng quay mặt vào tường, quỳ gối, cuối giờ sắp xếp bàn ghế, viết kiểm điểm, chép bài nhiều lần, nhận lỗi dưới cờ. Thay vào đó, ông áp dụng hình thức khuyên bảo điều hay lẽ phải, đưa trò vi phạm khuyết điểm vào thư viện đọc sách, viết đoạn văn ngắn thu hoạch từ những trang sách. Ví dụ như em hiểu gì về chị Võ Thị Sáu? Mùa hoa lê ky ma nở là bài hát do nhạc sĩ nào sáng tác, bài hát ra đời trong bối cảnh nào? Em hiểu gì tên gọi con đường đặt tên Lê Lợi chạy qua cổng trường? Em hiểu như thế nào về tên gọi ngôi trường mang tên anh hùng Nguyễn Viết Xuân?

ngay-nha-giao-20-11-14221086.jpg

Những thu hoạch đó từ các em, thầy cô cho đọc trước lớp, để cùng nhau luận bàn nhẹ nhàng trong mấy chục phút sinh hoạt vào thứ 6 hàng tuần. Quả là một cách xử phạt hiếm gặp nhưng sáng tạo, có ý nghĩa trong bối cảnh không ít trò ngại đọc sách, một số trò chưa đam mê học môn văn, môn lịch sử, hoặc chỉ học thuộc lòng từ sách như vẹt, chóng quên ít hiểu. Cao hơn tất cả chính là phương pháp giáo dục bằng tình yêu thương, lòng vị tha, bao dung con trẻ, trái với cách xử phạt nặng về bạo lực, bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm trong một số thầy cô nào đó. Nhà trường đề cao tính nêu gương, sự mẫu mực của thầy cô, coi trọng sự dạy dỗ bằng khuyên bảo, rèn luyện kỹ năng sống, cách ứng xử đẹp.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo dưới nhiều chủ đề và góc độ khác nhau về mối quan hệ giữa thầy và trò đã diễn ra đây đó. Một nhóm cựu giáo chức vùng biển, với nhiều thầy cô giáo cao niên gắn bó với nghề nhà giáo trên dưới nửa thế kỷ đặt ra một câu hỏi thử luận bàn về cái sự đúng hay sai, phản cảm và trật trịa trong quan niệm xử phạt các trò chưa chăm ngoan theo quan niệm cũ “Thương cho roi cho vọt”?

Nhà giáo Thanh Bình nhắc lại quan điểm, cách nhìn nhận của Giáo sư nhà giáo Hồ Ngọc Đại, chuyên tâm dạy các trò nhỏ cấp tiểu học, lứa tuổi dễ uốn nắn, dễ hình thành nhân cách làm người. Ông nói “Thương cho roi cho vọt” là bậy, là câu nói tàn bạo nhất, một “di sản” phong kiến để lại. Khi dạy dỗ con trẻ, học trò nhỏ, tình yêu thương từ trái tim nhân hậu là cao hơn tất cả, người lớn cần phải nói cho các trò biết cái sai và cái đúng của nó, cho nó biết cái đúng của cuộc đời. Roi vọt là dành cho ai? Chính là dành cho súc vật. Súc vật phải dùng roi đánh vào thân nó thì nó mới sợ chứ con người thì phải “đánh” vào đầu óc, “đánh” vào tâm hồn, “đánh” vào tình thương yêu, bằng trí khôn thì bọn trẻ mới cảm được, mới thay đổi, mới tiến bộ để trở thành công dân chân chính.

Những luận điểm tâm huyết, bài học của cả đời làm nghề giáo của Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong bối cảnh mà xã hội ngổn ngang muôn vàn “cơn sóng”, được các cựu giáo chức xứ biển luận bàn và cảm nhận về sự đúng đắn, cần thiết, dứt khoát, nói không với bạo lực học đường, đem lại sự trong sáng đích thực của nhà giáo.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tập thể thầy cô một trường học ở quận 6, TP. Hồ Chí Minh có sáng kiến vận động các tổ chức và cá nhân tặng thẻ bảo hiểm y tế cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thay vì tặng hoa, bánh kem, vật dụng khác. Đọc bức thư ngỏ kêu gọi lòng hảo tâm từ cộng đồng, không ít người đã rưng rưng lệ, cảm động trước tấm lòng thương yêu học sinh của các thầy cô giáo.

Tôi và bạn, tất cả chúng ta, ai cũng đã một thời là trò nhỏ của các thầy cô của mình. Và không ít trò nhỏ ngày ấy nay lại kế nghiệp làm thầy cô giáo gánh vác sự nghiệp trồng người, tiếp bước cuộc hành trình cao quý của các thầy cô của chính mình trước đây. Giáo dục – trồng người – bằng tất cả tình yêu thương, cảm hóa con người từ tình yêu thương, một định đề luôn đúng!  

ÚT MŨI NÉ