Phong Phú: Khởi sắc nhờ trồng táo giàn trong nhà màng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 24/11/2023
Phong Phú là xã miền núi khó khăn của huyện Tuy Phong, có 3 dân tộc Kinh, Chăm và Rắclay với diện tích tự nhiên 11.867,7 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 2500 ha, có 95% sản xuất nông nghiệp. Năm 1998, cây táo đã bén duyên trên vùng đất khô cằn đá sỏi này, nhưng lúc đó chỉ hai hộ dân trồng hơn ba sào. Ấy vậy mà từ năm 2019 đến nay, diện tích táo liên tục được mở rộng với trên 100 hecta, trong số này có đến 80 hecta đang trong thời kỳ kinh doanh. Sở dĩ, nông dân nơi đây đẩy mạnh phát triển trồng táo là do đã hội tụ khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp tạo nên chất lượng táo cực kỳ thơm ngon, giòn ngọt. Đồng thời, trái táo cũng có thị trường tiêu thụ khá tốt với giá cả ổn định từ 10 -12.000 đồng/ký thương lái thu mua tại vườn. Đặc biệt, nhiều năm nay, nông dân địa phương này đã mạnh dạn chuyển sang trồng táo giàn trong nhà màng mang lại giá trị kinh tế cao.
Dắt chúng tôi đi thăm khu vườn táo được trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap rộng 4 hecta, trồng thành giàn, có nhà màng phủ lưới rộng tới 4 hecta, ông Võ Ngọc Tòng cho biết, táo trồng thành giàn, có nhà màng phủ lưới hạn chế tối đa thiên địch xâm nhập gây hại, có hệ thống tưới tiết kiệm nước và sản xuất theo quy trình kỹ thuật mà cán bộ nông nghiệp khuyến cáo. “Nhờ đầu tư chăm sóc bài bản, chú trọng nâng cao chất lượng, cộng với đặc thù khí hậu hanh khô nóng ấm đã cho ra thành phẩm trái táo có màu xanh vàng sáng bóng, thịt chắc, giòn và ngọt thanh, được tiêu thụ phổ biến ở thị trường trong và ngoài tỉnh”, ông Tòng chia sẻ.
Cũng theo nhiều hộ trồng táo trên địa bàn xã, táo được trồng khoảng một năm là cho thu hoạch trái, có thể xử lý cho trái quanh năm, 6 tháng cắt cành, làm bông và đóng trái, 6 tháng còn lại thu hái trái với sản lượng đạt 3 - 4 tấn mỗi sào, nếu chăm sóc tốt cây táo có chu kỳ cho trái lên đến gần 20 năm.
Ông Võ Ngọc Tân -Chủ tịch Hội nông dân xã Phong Phú, huyện Tuy Phong cho biết, hiện táo là cây trồng chủ lực và là sản phẩm đặc trưng của xã Phong Phú, được UBND huyện Tuy Phong xét duyệt sản phẩm OCOP, đồng thời đề xuất với Trung tâm thông tin và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật Tỉnh đăng ký nhãn hiệu tập thể “Táo Phong Phú -Tuy Phong”.
Có được kết quả trên, theo ông Tân là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các chi, tổ hội nghề nghiệp -cầu nối gắn kết giữa Hội với hội viên nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ táo theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng thế mạnh nông sản địa phương. Theo đó, trong những năm qua, Hội nông dân xã Phong Phú cũng đã thành lập 3 tổ trồng táo và 1 chi hội nghề nghiệp, các thành viên trong tổ và chi hội đã được tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân từ Trung ương và địa phương để đầu tư phát triển mở rộng trồng táo. Mỗi tháng, các chi, tổ hội nghề nghiệp trồng táo đều đặn tổ chức sinh hoạt định kỳ một lần. Nội dung linh hoạt, gợi mở tùy theo các vấn đề mà hội viên nông dân cần, như: giống, kỹ thuật chăm sóc, vật tư nông nghiệp, vay vốn và kết nối cung cầu thị trường. Hàng tháng, mỗi chi, tổ hội sẽ có một thành viên được vay vốn góp để chăm sóc táo mà không tính lãi; trao đổi tại vườn những dịch bệnh trên cây táo đang phát sinh hay chia sẻ kinh nghiệm làm táo đạt năng suất, chất lượng cao được thị trường đón nhận. “Từng là những cá thể độc lập, nay canh tác chung loại cây trồng, đồng bào Chăm, Rắc-lây và Kinh nơi đây trở thành láng giềng thân thiết, mà “chi, tổ hội nghề nghiệp trồng táo” làm điểm tựa cầu nối bắt nhịp”, ông Tân nói.
Có thể nói, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất mà nhiều nông hộ xã Phong Phú đang áp dụng trên vườn táo của mình, đang giúp họ vươn lên thoát nghèo, có kinh tế khá giả.