Thành lập khu công nghệ cao tại Bình Thuận: Khát vọng và thách thức

Kinh tế - Ngày đăng : 05:15, 27/11/2023

Thành lập khu công nghệ cao (CNC) được xem là định hướng đúng đắn và thể hiện khát vọng của Bình Thuận trong việc lựa chọn, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới theo xu hướng phát triển công nghiệp 4.0…

Khởi động…

Tháng 9 năm ngoái, Văn phòng Chính phủ có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận. Theo đó về việc thành lập khu công nghệ cao (CNC) đã giao cho tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, thẩm định, trình duyệt đề án theo đúng thẩm quyền và quy định… Tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện về nội dung này.

img_4323.jpg
Hội thảo “Định hướng xây dựng Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận” vừa được tổ chức tại TP. Phan Thiết.

Khởi động bước đầu, Sở Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai lập Đề án hình thành khu CNC, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền trong năm 2023. Theo đề xuất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp đơn vị tư vấn tích hợp các nội dung liên quan đến khu CNC vào Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có nội dung: Quan điểm về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển cũng như định hướng hình thành các công trình, dự án quan trọng góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ… Cụ thể về định hướng, địa phương dự kiến hình thành cụm liên kết ngành về khoa học, khu CNC gắn với đổi mới sáng tạo và đào tạo, phát triển các đô thị du lịch ven biển (quy mô 3.000 ha) nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Qua đó hướng đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các sản phẩm công nghệ và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, phương án định hướng phân bố không gian huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc cũng thể hiện nội dung “Tập trung thu hút đầu tư phát triển khu công nghệ cao”…

Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan chung về khu CNC của cả nước cũng như điều kiện thành lập khu CNC, thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh một số nội dung liên quan. Mặt khác còn thành lập Tổ tham mưu đề xuất hình thành khu CNC, đồng thời khẩn trương nghiên cứu quy định, rà soát công việc trong quá trình thực hiện và liên hệ các địa phương đã triển khai khu CNC để học hỏi kinh nghiệm. Như cử công chức đi học tập kinh nghiệm tại sở đồng chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế về tham mưu các bước trong việc hình thành và xây dựng đề án khu CNC, đề xuất phối hợp tổ chức hội thảo “Định hướng xây dựng Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận” trên địa bàn TP. Phan Thiết.

Với lợi thế về vị trí địa lý, sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển nền kinh tế tổng hợp (gồm công nghiệp - du lịch - nông nghiệp), giao thông đối ngoại dần hoàn thiện… là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận triển khai Đề án khu CNC. Từ đó hướng tới thu hút phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao mà nhất là về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao và tạo tiền đề thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ trở thành một động lực phát triển trong thời gian tới.

Còn nhiều thách thức

Tại Hội thảo “Định hướng xây dựng Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận” vừa được tổ chức giữa tháng 11/2023, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh những tiềm năng và lợi thế thì việc hình thành khu CNC trên địa bàn tỉnh còn nhiều thách thức. Bởi theo ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ngoài đảm bảo điều kiện thành lập khu CNC như quy định còn phải đáp ứng về quy hoạch. Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của quốc gia (theo Quyết định số 792, ngày 8/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ) không có khu CNC trên địa bàn Bình Thuận. Còn theo Quyết định (số 326, ngày 9/3/2022) của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 cũng không có phân bổ chỉ tiêu đất khu CNC của Bình Thuận…

Từ thực tế trên, địa phương cần tập trung triển khai một số việc để xúc tiến hình thành khu CNC tỉnh Bình Thuận, trước hết là xây dựng hành lang pháp lý cho đề án và cập nhật vào quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó còn có phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng khu CNC cũng như xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ của tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội… Được xem là một hướng đi mới, do vậy phát triển khu CNC tại Bình Thuận phải được đánh giá sâu kỹ, tham khảo kinh nghiệm triển khai của nhiều địa phương hoặc ý kiến từ các chuyên gia, nhất là ở lĩnh vực khoa học công nghệ. Và để có thể định hướng phát triển thành công khu CNC trên địa bàn Bình Thuận vẫn rất cần sự nỗ lực của các cấp ngành, đặc biệt là vai trò của ngành khoa học - công nghệ. Thêm nữa là về vấn đề liên quan nguồn nhân lực, đầu tư các thiết chế đáp ứng cho sự phát triển khu CNC cũng phải được rà soát, đánh giá tổng hợp một cách đầy đủ.

Thế nên qua tiếp thu nhiều ý kiến trao đổi, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng xây dựng Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận”, địa phương sẽ có giải pháp, lộ trình phù hợp và mang tính khả thi trong việc hình thành, phát triển khu CNC vào thời gian đến. Qua đó không những đáp ứng định hướng phát triển công nghiệp 4.0, mà còn góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh nhà.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của quốc gia sẽ hình thành 6 khu CNC trên cả nước. Đến nay đã có 4 khu CNC được thành lập và đi vào hoạt động, bao gồm 3 khu CNC quốc gia (Khu CNC Hòa Lạc tại Hà Nội, Khu CNC TP. Hồ Chí Minh, Khu CNC Đà Nẵng) và Khu CNC chuyên ngành sinh học Đồng Nai.

QUỐC TÍN