Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi, sản xuất khép kín

Kinh tế - Ngày đăng : 05:20, 27/11/2023

Những năm gần đây, xu hướng “bỏ phố về quê lập nghiệp” trong người trẻ, tri thức đã không còn quá xa lạ ở huyện Hàm Thuận Bắc. Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng lập nghiệp thành công bởi phụ thuộc vào ý chí, ngành nghề và cách làm ăn của mỗi người.

Thế nhưng, anh Trần Trung Hoàng (38 tuổi), ngụ tại thôn 1, xã Thuận Minh đã “bỏ phố về quê lập nghiệp” thành công trên chính mảnh đất của gia đình với thu nhập mỗi năm trên dưới 400 triệu đồng.

vlcsnap-2023-11-09-13h47m49s075.png

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2007 anh Trần Trung Hoàng thi đỗ vào Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng ở TP. HCM với chuyên ngành công nghệ ô tô. Trải qua 3 năm học tập tại đây anh lấy tấm bằng cử nhân và xin vào một doanh nghiệp làm việc. Dù mức lương ổn định với hơn 8 triệu đồng/tháng nhưng anh vẫn nuôi ý định trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Sau 5 năm tích lũy vốn, anh quyết định quay về quê để hiện thực hóa ý tưởng của mình, và thanh long là cây trồng được anh chọn để khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau 3 năm chăm sóc, cây trồng này liên tục rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, làm ăn thua lỗ nên anh chủ động phá bỏ và dành toàn bộ đất của cha mẹ cho để trồng tre điền trúc lấy măng. Anh cho biết, tại thời điểm năm 2018, điền trúc là cây trồng rất hiệu quả, đầu ra thuận lợi, được nông dân một số tỉnh ưa chuộng. Sau khi tìm hiểu, nắm bắt kinh nghiệm, anh đặt mua 400 gốc tre giống về trồng trên diện tích gần 1 ha. Thay vì trồng theo quy cách 3x3 m như một số nơi, thì anh trồng hàng cách hàng, cây cách cây 6m để tránh tình trạng rập tán sẽ cho năng suất thấp. Do tre điền trúc dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên chỉ sau 1 tháng xuống giống tre bén rễ, sinh trưởng tốt, sau 8 tháng thì ra măng, 18 tháng cho thu hoạch lai rai và sau 24 tháng thì cho thu hoạch ổn định. Ưu điểm của tre điền trúc là ra măng quanh năm, tuy nhiên đạt sản lượng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch, cứ 3 ngày anh Hoàng thu hoạch măng một lần, bình quân mỗi lần thu hoạch trên dưới 70 kg măng tươi; vị chi mỗi tháng anh thu hoạch 10 lần với khoảng 700 kg măng/400 gốc tre. Để tăng thu nhập cho gia đình, đầu năm 2020 anh Hoàng mở rộng sang đầu tư nuôi bò, dê, heo rừng lai và gia cầm để tận dụng phế phẩm từ trồng trọt và vỏ măng làm thức ăn chăn nuôi; đồng thời lấy phân gia cầm, gia súc bón cho tre điền trúc, tạo quy trình chăn nuôi - sản xuất khép kín. Trong đó, dê và heo rừng lai là 2 con nuôi chủ lực. Đối với dê, anh đầu tư mua 11 con giống, gồm 10 dê nái và 1 dê đực; riêng heo rừng lai anh mua 10 con giống, gồm 9 heo nái và 1 heo đực với mục đích tự nhân giống để cung cấp cho thị trường. Khác với tre điền trúc, việc nuôi dê và heo sinh sản không hề đơn giản nên năm đầu thử nghiệm anh đã thất bại, tỷ lệ đậu thai thấp và chất lượng con giống không đạt. Quyết tâm theo đuổi đến cùng, anh Hoàng tự mày mò tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều người, rồi chắc lọc những kiến thức hữu ích áp dụng vào nhân giống dê và heo rừng lai. Nhờ kiên trì, chịu khó nên anh sớm đạt kết quả, đàn dê và heo sinh sản tốt, đều đặn, con giống đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. 1 dê nái sinh 2 lứa/năm, mỗi lứa 1 con; riêng heo rừng lai sinh 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 8 - 10 heo con.

vlcsnap-2023-11-09-13h42m15s025.png

Với mô hình chăn nuôi, sản xuất khép kín đã mang lại cho anh Hoàng nguồn thu nhập đáng kể. Theo tính toán, từ năm 2021 trở lại đây, với 400 gốc tre điền trúc mỗi năm anh thu hoạch trên dưới 8.400 kg măng tươi, bán với giá dao động từ 18.000 - 25.000 đồng/kg, anh thu về từ 150 - 210 triệu đồng. Ngoài ra anh còn chiết tre giống để bán cho người dân trong vùng với giá 30.000 đồng/cây giống; chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay anh bán gần 1.000 cây, thu nhập gần 30 triệu đồng. Riêng đàn dê nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi năm 10 dê nái sinh sản 18 - 20 dê con, khi đạt trọng lượng 18 kg/con, anh xuất bán với giá bình quân 1,8 triệu đồng/con, thu về từ 32 - 36 triệu đồng. Đối với heo rừng lai, mỗi năm 9 nái sinh sản trên 210 heo con, bán với giá dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/con, anh thu về 120 - 150 triệu đồng… Tổng thu nhập từ trồng tre lấy măng kết hợp nuôi dê, heo rừng lai sinh sản của gia đình anh Hoàng mỗi năm đạt từ 330 - 420 triệu đồng. Anh Hoàng cho biết, hiệu quả của mô hình chăn nuôi, sản xuất khép kín của gia đình anh không chỉ thể hiện ở tổng số tiền thu nhập, mà còn ở việc tiết kiệm chi phí đầu tư. Nhờ tận dụng vỏ măng tre trộn lẫn với cám, bắp làm thức ăn chăn nuôi nên dê và heo rừng lai lớn nhanh; ngược lại phân dê và heo được anh đem bón cho tre nên không tốn chi phí mua phân hóa học mà tre vẫn phát triển tốt, ra măng nhiều và chất lượng cũng cao hơn. Chính nhờ vậy mà lợi nhuận thu về sau khi trừ chi phí rất đáng kể, từ 250 - 320 triệu đồng/năm. Cũng theo anh Hoàng, trong mô hình chăn nuôi, sản xuất khép kín của gia đình anh thì trồng tre điền trúc lấy măng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất nhờ cắt giảm chi phí gần như tuyệt đối, ít tốn công chăm sóc, tuổi thọ của tre dài, không bị ảnh hưởng sâu bệnh và đầu ra ổn định. Vì vậy, anh dự tính sắp tới sẽ mở rộng diện tích trồng tre lấy măng trên phần đất còn lại của gia đình để màu xanh của cây trồng này không chỉ giúp anh ổn định thu nhập mà vươn lên làm giàu.

vlcsnap-2023-11-09-13h35m35s388.png

“Hiện nay ở địa phương có nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp sản xuất; tuy nhiên mô hình trồng tre điền trúc lấy măng kết hợp chăn nuôi dê và heo rừng lai theo quy trình khép kín của anh Hoàng mang lại hiệu quả cao, được nhiều người dân trong và ngoài xã tìm đến học hỏi, áp dụng. Hội Nông dân xã cũng đã giới thiệu mô hình này rộng rãi đến hội viên nông dân trên địa bàn để bà con nắm bắt, nhân rộng nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao giá trị canh tác trên mảnh đất của gia đình…”.

Anh Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Minh phấn khởi chia sẻ.

Linh Nguyễn