Quảng cáo cho vay tín dụng đen tràn lan

Pháp luật - Ngày đăng : 05:24, 29/11/2023

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng cao nên rất nhiều người cần khoản tiền để chi tiêu hoặc lo việc gia đình. Lợi dụng cơ hội này, hàng loạt App cho vay nặng lãi quảng cáo rầm rộ trên nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube cho đến Google…

Coi chừng mắc bẩy

Anh Nguyễn Văn Thanh ở Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc, kể: Mình làm phụ hồ mỗi lúc rảnh tay thường hay lướt mạng xem các chương trình giải trí, hôm trước lướt Tiktok thấy H. Hoa hồng là nhân vật nổi tiếng trên mạng quảng cáo cho vay 30 triệu đồng mỗi tháng trả 1 triệu đồng, trả 36 tháng là xong nợ. Còn nếu ai kẹt, gia đình khó khăn thì cho vay 5 triệu đồng trong vòng 5 tháng không tính lãi. Tưởng thật, mình đang khó khăn nên nhấp vào đường link để vay nhưng không ngờ sau khi làm các thủ tục như gửi hình căn cước công dân (CCCD), chụp chân dung, khai báo thân nhân thì được báo lại là chỉ vay được 2 triệu đồng, thời hạn vay 1 tuần, số tiền phí và lãi cộng tiền gốc 1 tuần sau trả là 3,5 triệu đồng. Thấy lãi cao mình không vay nhưng sau đó gia đình mình không may có người bị tai nạn, trong lúc chưa vay được tiền người thân để lo chi phí chữa trị mình nhớ đến App hôm trước nên vào vay tạm, suy nghĩ 1 tuần sau sẽ xoay xở trả nợ. Tuy nhiên chưa đến 1 tuần, mới chỉ 4 ngày là bên App cho người đòi nợ, ban đầu nhân viên App nói chuyện ngọt ngào “anh trả sớm rồi bên em sẽ duyệt cho khoản vay khác cao hơn…”.

screenshot_2023-11-23-12-07-17-27_680d03679600f7af0b4c700c6b270fe7.jpg
Tín dụng đen công nghệ cao.

Tôi bảo chưa đến hạn mà gia đình đang có chuyện nên đến ngày sẽ trả. Vậy nhưng sáng hôm sau nhân viên App yêu cầu 10 giờ trưa phải thanh toán, nếu không sẽ gọi cho người thân hoặc anh em trong gia đình trả nợ thay. Còn nếu để đầu giờ chiều sẽ ghép hình đăng lên mạng cho “thiên hạ” biết… giật nợ. Tôi cứ nghĩ họ làm áp lực để trả sớm chứ khoản vay chưa đến hạn nên vẫn chưa cần trả sớm. Tuy nhiên, trưa hôm ấy cả dòng họ tôi đều bị nhân viên App gọi điện yêu cầu trả nợ thay cho tôi. Chưa hết, khi vợ tôi biết chuyện đang tính chiều trả nợ thì khoảng 2 giờ chiều hình của tôi được cắt ghép với “lệnh truy nã” và những ngôn từ xúc phạm được nhân viên App gửi qua Zalo, Facebook cho tất cả những người có trong danh bạ của tôi…

Tương tự như anh Thanh, anh Minh làm công ty du lịch S. ở TP. Phan Thiết vay của App iVay 3 triệu đồng, thời hạn vay 15 ngày và sẽ trả tổng cộng 5,5 triệu đồng. Đến hẹn anh trả được 4 triệu đồng, còn lại anh xin khất hẹn. Anh Minh tâm sự: “1 tuần sau tôi trả cho App 2 triệu đồng nhưng nhân viên iVay thông báo khoản nợ của tôi đã tăng lên 3,2 triệu đồng, lý do tăng lên là bị phạt lãi. Thấy vô lý nên tôi chỉ trả 2 triệu đồng. Nghĩ vậy là ổn nhưng bẵng đi 3 tháng có người điện thoại tự xưng là công ty luật, đã mua lại nợ xấu và yêu cầu tôi phải trả 10 triệu đồng từ App iVay. Thấy vô lý nên tôi không trả, vậy là sau đó từ người thân đến bạn bè tôi đều nhận cuộc gọi yêu cầu trả nợ thay tôi. Buồn nhất là bên đòi nợ chơi chiêu cứ vào khoảng “giờ độc” 1 giờ trưa hay 10 giờ đêm, thậm chí là 12 giờ đêm hay 1 giờ sáng gọi điện cho lãnh đạo công ty tôi yêu cầu trả nợ thay tôi - một kiểu đòi nợ vi phạm pháp luật.

Mặc dù tôi đã làm tường trình sự việc kèm các hình ảnh vay, trả nợ gửi công ty nhưng trước việc quấy rối của bọn đòi nợ thuê khiến lãnh đạo công ty tôi mất ngủ nên yêu cầu tôi phải trả nợ để cho xong chuyện. Ấm ức nhưng tôi phải trả kiểu “mình làm mình chịu…”.

screenshot_2023-11-23-03-23-51-36_40deb401b9ffe8e1df2f1cc5ba480b12.jpg
Hàng ngàn người tin tưởng quảng cáo nên mắc lừa tín dụng đen

Cần dẹp ngay từ trong “trứng nước”

Không chỉ anh Thanh, anh Minh mà hàng ngàn người bị dính vào tín dụng đen từ App. Trong thời gian qua, Bộ Công an và công an các tỉnh, thành đã triệt phá hàng chục App cho vay nặng lãi, trong đó nạn nhân lên đến hàng ngàn người. Đây được xem là tội phạm công nghệ cao bởi người sáng lập ra các App vay tiền hầu hết là người nước ngoài như Trung Quốc, Nga, Đài Loan… sau đó thuê người Việt Nam thuê nhân viên và văn phòng làm việc theo kiểu chân rết. Trong đó một số công ty luật đã vì lợi nhuận mua bán lại nợ khách hàng của các App tín dụng đen rồi làm áp lực đòi nợ với nhiều thủ đoạn khiến người vay “thân bại danh liệt”. Qua thời gian Bộ Công an vào cuộc, tình hình cho vay qua App tín dụng đen giảm hẳn, một phần do các App đã bị bắt, phần khác sợ pháp luật “sờ” nên “án binh bất động”. Tuy nhiên, trong 1 tháng trở lại đây, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng cao của người dân vào dịp tết, hàng loạt App cho vay nặng lãi lại xuất hiện quảng cáo rầm rộ nên các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube cho đến Google… Các App như iVay, Ví thần tài, Money, Dongvay, Sdong, takomo… xuất hiện dày đặc với những lời quảng cáo có cánh vay lãi suất thấp, nhanh gọn, uy tín, giải ngân trong vòng 5 giây… khiến nhiều người lầm tưởng là các công ty tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động nên vào vay.

screenshot_2023-11-22-18-18-48-46_f9ee0578fe1cc94de7482bd41accb329(1).jpg

Ở một góc độ khác còn tai hại hơn là các App tín dụng đen còn lợi dụng thương hiệu của các ngân hàng nhà nước có thương hiệu để lừa người dân vay tiền. Mặt khác, nhiều người sau khi vào App tín dụng đen cung cấp CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng, thân nhân của mình nhưng sau đó bị các App này bán thông tin cho các đối tác khác nhằm vào mục đích xấu nên người dân sẽ bị hệ lụy rất lớn.

Để người dân có không gian mạng sạch, không bị dính vào tín dụng đen qua các App dùng công nghệ cao, thiết nghĩ, Bộ Thông tin & Truyền thông; Bộ Công an nên vào cuộc triệt phá các App cho vay tín dụng đen ngay từ khi còn trong “trứng nước”, tức là giai đoạn đầu việc quảng cáo để hoạt động trái pháp luật. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng các App tín dụng đen công khai hoạt động, bất chấp vi phạm pháp luật. Đồng thời hạn chế được người dân dính vào tín dụng đen từ không gian mạng đến thực tiễn đời sống xã hội…

                                                           

Trần Thi