Để người dân chủ động cung cấp thông tin vi phạm giao thông hiệu quả

Pháp luật - Ngày đăng : 05:29, 29/11/2023

Kế hoạch Phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) để xử lý theo quy định của pháp luật mà UBND tỉnh vừa ban hành đã thu hút được sự quan tâm của người dân. Nhưng làm thế nào để người dân chủ động cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng thì cần có sự rõ ràng.

Thông tin người dân khi phát hiện các hành vi vi phạm giao thông thì sử dụng phương tiện kỹ thuật, thiết bị thông minh của cá nhân như máy ảnh, camera, điện thoại, camera hành trình... quay clip, chụp ảnh về hành vi vi phạm rồi liên hệ, phản ánh trực tiếp với Công an tỉnh qua SĐT của Phòng Cảnh sát giao thông: 0693.428.121 và tài khoản Zalo “Phòng CSGT Bình Thuận”... đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của dư luận. Bởi hiện nay, còn rất nhiều các lỗi vi phạm giao thông khiến người dân, người đi đường bức xúc. Có thể kể đến những lỗi vi phạm như: người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, sang đường không bật đèn tín hiệu… Và nhất là tình trạng các thanh thiếu niên điều khiển phương tiện đã được độ, chế phát ra tiếng vang lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhiều người đã bức xúc trước hành vi này nhưng chưa biết phản ánh như thế nào, với cơ quan nào. Nhưng nay, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát động toàn dân cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về TTATGT thì rất thuận lợi để người dân phản ánh thông tin vi phạm. Nhiều người dân đã đồng tình và chuẩn bị ghi hình những thanh thiếu niên có hành vi nẹt pô, “phá làng phá xóm” để phản ánh lên cơ quan chức năng.

z4790514464927_3c324570b2c678790fb09b750ad3a187.jpg
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra tốc độ các phương tiện lưu thông trên đường

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có người dân băn khoăn về việc thông tin phản ánh có được cơ quan chức năng tích cực vào cuộc điều tra, xử lý hay chỉ tiếp nhận rồi… “để đó” hay nơi xử lý rốt ráo, nơi lại “lặng thinh”. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng muốn được cơ quan chức năng thông báo tiến độ thụ lý giải quyết phản ánh của bản thân. Và họ cũng muốn thông tin phản ảnh của mình được cơ quan chức năng thụ lý giải quyết đến nơi đến chốn dù thông tin đó có thể đúng và có thể sai… Nên chăng, các ngành chức năng cần xây dựng một trang mạng xã hội chuyên tiếp nhận thông tin phản ánh và cập nhật kết quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Cùng với đó, tình trạng các lỗi vi phạm như: Không đội nón bảo hiểm, lạng lách đánh võng… rất phổ biến nhưng chỉ có 1 đơn vị tiếp nhận là Phòng Cảnh sát giao thông thì việc tiếp nhận thông tin có kịp thời, có bị quá tải. Trong khi ở Đội Cảnh sát giao thông Công an các huyện có đủ chức năng và thẩm quyền xử lý những lỗi này. Nhiều người dân kiến nghị bổ sung thêm nơi tiếp nhận thông tin phản ánh tại các địa phương để việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân được kịp thời hơn.

Kế hoạch phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về TTATGT được kỳ vọng sẽ huy động được sức dân cùng tham gia với lực lượng chức năng thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành về pháp luật giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Nếu việc xử lý các phản ánh của người dân diễn ra một cách nhanh chóng, chính xác, kết quả giải quyết được thông báo đến người cung cấp thông tin… thì người dân sẽ chủ động tham gia, mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.

Nguyễn Luân