Nghe tiếng nhân gian trên đồi thơ
Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 14:24, 29/11/2023
Đêm thơ giữa rằm, lại mang tên rất lạ “ Tiếng thơ trong Trường Phật” – do chính Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Tâm viết kịch bản và dàn dựng chương trình, cùng với Thượng tọa Thích Nguyên Sắc - người đã viết tặng cho đời rất nhiều tứ thơ ở cửa phật - một nơi vô ưu.
Vẫn là những khách thơ, vẫn những giọng ngâm và tiếng hát ái từ của khách tri âm như: Tác giả - nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm, Nhà giáo ưu tú - Nghệ sĩ Dương Thế Thuật, Nghệ sĩ Thi Phương, ca sĩ Lan Anh, Minh Đức... Đêm thơ trên đồi ấy còn là sự hội ngộ của 4 vị giáo thọ sư Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Thuận.
Chắc không ít người sẽ ngạc nhiên, khi không gian của tiếng thơ lại được bày biện trong không gian khác lạ, tưởng chừng như tách biệt đời. Nhưng mấy ai, nhìn lại cứ mỗi độ Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi thức mỗi mùa, bao đời nay, gợi cho thi nhân những xúc cảm dạt dào, da diết. Đêm thơ trên đồi, bạt ngàn gió, trong màn sương đêm nhè nhẹ, bên tách trà sen dễ khiến người lữ khách thênh thang, an nhiên trong cõi thực.
Lữ khách của đời, lại chìm đắm, say sưa trong tiếng thơ của những vị giáo thọ trong trường Phật. Những dòng thơ đã viết thấm ý vị thiền, lan tỏa tình yêu với đạo và đời. Dù ở chốn vô ưu, an tịnh trong tâm hồn vẫn khắc ghi những ơn xưa, lòng kính hiếu cha mẹ, thầy cô.
Đêm thơ - tại mái chùa Bửu Sơn, thơ tràn ngập ánh trăng, dù trăng chẳng kịp về trong tiếng gió lồng lộng. Trong khoảng không của đêm, tiếng thơ thanh tịnh càng thanh tịnh, trong veo với nhiều nồng ấm. Sự hiện hữu của chư tăng ni, của lữ khách yêu thơ xa gần. Chương trình “Tiếng thơ trong Trường Phật” diễn ra trong sự an hạnh.
Bên cạnh những Thượng tọa Thích Đức Thành - Trụ trì chùa Quảng Đức, Thầy Thích Nguyên Sắc - trụ trì chùa Bửu Sơn, Cư sĩ Tâm Quang, Nhà thơ, nhà giáo TS Nguyễn Thị Liên Tâm. Những tiếng thơ vang lên trong đêm, ở đó thanh âm của “Nhớ người đưa đò ngày ấy”, của “Ông lái đò”, “Nhớ Ân Tổ Đức”, “Xin gởi nhân gian”… Câu chữ, thanh âm cứ nhẹ nhàng với thinh không. Đời là cõi tạm. Sống chỉ tâm an, sẻ chia theo tinh thần từ bi hạnh ngộ, như lời tự sự của Thầy Thích Đức Thành trong “Xin gửi nhân gian”… Có nhiều lắm trong đêm thơ, có nhiều dư vị để được nói cùng nhau trong tiếng dìu dặt của âm nhạc và cả tiếng thi nhân.
Khuôn khổ bài viết không thể bày biện tất cả, không thể nói thay những biết ơn, càng không thể tháo bỏ những chấp niệm. Chỉ có không gian bàng bạc, để một ngày nào đó ta về “Miền đất đó trăng đã gầy vĩnh viễn/Từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ ( Tuệ Sỹ), còn đâu những đêm “Trăng lồng lộng trăng/Trăng vằng vặc sáng”…Quê hương của tôi, xứ biển của tôi cũng đầy những phận con người, với tình yêu cuộc sống, tình yêu với cảnh thiền, với trăng, với biển… say đắm và mông lung trong hương sắc cuối thu.
Đêm thơ trên đồi mộng khép lại với màn mưa bàng bạc, nhưng dư âm vẫn đủ đầy ái từ, kiến thức, tài đức, đạo hạnh sẻ chia. Người ở trên đồi, trông trăng với nỗi nhớ lúc vơi đầy. Và cứ thế, cứ mỗi “Chiều trên đồi Phố Hài” không chỉ còn là câu chuyện tình Mộng Cầm – Hàn Mặc Tử, mà có cả nét thanh tao trầm mặc trên một góc đồi nghiêng nghiêng ở Thiền Tự. Thơ được đặt đâu đó trong không gian trầm mặc, thơ tự khắc gột rửa được bụi trần và đẹp đẽ hơn. Thầy Tuệ Sĩ từng viết: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/ Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về. Và nếu ở đó, có thể giúp ta quên được, hãy cứ “Một niệm buông đi là giải thoát/ Chốn an yên ta cưỡi hạc đằng Vân” (Thầy Tâm Quang), để tiếp tục đi qua miền đất này, viết về giấc mơ đời hư ảo và âm thầm gót chân hành hương, với chiều nghiêng bóng đổ một mình.
Đêm thơ trên đồi mộng, có đủ đầy tỉnh thức chốn nhân gian.