Phơi lúa trên đường giao thông : cần có chế tài xử lý phù hợp
Đi, thấy và viết - Ngày đăng : 14:32, 29/11/2023
Thời điểm này, nông dân trong huyện đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa vụ mùa, và đến hẹn lại lên nhiều tuyến đường được nông dân sử dụng làm sân phơi. Câu chuyện không hề mới nhưng lặp đi, lặp lại trong nhiều năm liền kéo theo đó là những ẩn họa, nguy hiểm rình rập cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Từ giữa tháng 11/2023 trở lại đây, dễ dàng bắt gặp tình trạng phơi lúa trên đường giao thông tại một số địa phương ở huyện Hàm Thuận Bắc. Đường 2 làn xe thì một nửa biến thành sân phơi lúa; còn đường bê tông xi măng, giao thông nội thị thì có đoạn toàn bộ mặt đường được sử dụng làm sân phơi; người dân vô tư phơi lúa trên đường như một thói quen dù biết việc làm này gây khó khăn và nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện qua lại. Phơi lúa nhanh khô, diện tích phơi lớn, dễ vận chuyển là những lí do được họ lựa chọn đường làm sân phơi.
“So với sân gạch thì phơi lúa trên đường bê tông, đường nhựa nhanh khô hơn; trước kia tôi phơi sân gạch nếu nắng ráo thì khoảng 1,5 ngày lúa mới khô; còn nay phơi lúa trên đường bê tông thì hơn 1 buổi là lúa khô và bán được. Hơn nữa dễ vận chuyển nên thương lái cũng mua với giá cao hơn xíu…”. Bà Nguyễn Thị Hậu - ngụ thôn 1, xã Hàm Liêm cho biết. Về tình thì có thể thông cảm cho người nông dân, nhưng cũng phải thông cảm cho người đi đường vì xuất phát từ việc phơi lúa trên đường giao thông mà họ dễ gặp phải những rủi ro tai nạn không đáng có, kèm theo đó là bụi đất gây ô nhiễm môi trường xung quanh do phơi lúa mang lại.
Hiện nay, mùa gặt vẫn còn kéo dài và những ẩn họa tai nạn giao thông từ việc phơi lúa trên đường vẫn đang treo lơ lửng tại các vùng quê, vùng nông thôn, thậm chí là khu đô thị ở huyện Hàm Thuận Bắc. Đã đến lúc chính quyền các địa phương trong huyện cần có giải pháp, chế tài phù hợp để xử lý dứt điểm tình trạng này để lặp lại ANTT, đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.