Ứng dụng y học cổ truyền: Cải thiện mức độ giảm đau vai gáy
Y tế - Ngày đăng : 06:50, 30/11/2023
Tỷ lệ bệnh đau nhức, bệnh đau vai gáy ngày càng tăng, độ tuổi mắc bệnh trở nên trẻ hóa. Mặc dù bệnh này không gây tử vong, nhưng bệnh gây đau, khó chịu làm giảm sức lao động, kéo theo giảm chất lượng cuộc sống. Cùng sự phát triển y học hiện đại, y học cổ truyền sử dụng phương pháp dùng thuốc y học cổ truyền, phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt để điều trị bệnh đau vai gáy tại các cơ sở y tế mang lại hiệu quả cho người bệnh.
Tại Bình Thuận, số lượng người cần sử dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt để điều trị đau vai gáy và các bệnh lý liên quan xương, khớp, thì tăng liên tục trong nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2021, Bệnh viện Y học Cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh thực hiện thủ thuật xoa bóp bấm huyệt cho 13.593 người. Số lượng này là 23.740 người vào năm 2022, tăng nhiều so với năm 2021. 9 tháng năm 2023, bệnh viện này tiếp nhận hơn 14.400 người để xoa bóp bấm huyệt.
Y sĩ y học cổ truyền Đào Minh Hòa - nhân viên xoa bóp bấm huyệt của Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Y học Cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh) cho biết: Những người nhập viện điều trị đau vai gáy còn gọi là đau thần kinh cổ gáy. Trước đây, người lớn tuổi thường mắc bệnh này. Tuy nhiên, gần đây, bệnh đau vai gáy xuất hiện ở người trẻ do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc ngồi làm việc với máy tính quá lâu, dùng điện thoại di động - cầm sai tư thế trong thời gian dài… Thời gian điều trị gồm xoa bóp, bấm huyệt khoảng 15 - 20 ngày, tính từ ngày nhập viện đến ngày ra viện.
Theo y sĩ Hòa, xoa bóp bấm huyệt là phương pháp không dùng thuốc an toàn, tiện lợi, mang lại hiệu quả trong cải thiện mức độ đau, phục hồi chức năng cột sống cổ. Sau điều trị, các trường hợp đau cổ vai gáy có thể cải thiện giảm hơn 50% mức độ đau, nhưng khó điều trị dứt điểm được. Nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh để lại di chứng cong cột sống cổ, vai tay bị dị dạng.
Một bệnh nhân bị đau vai gáy đang điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh chia sẻ: “Lúc đầu đau từ cổ xuống bả vai, tay và tới lưng, rất khó ngồi dậy. Tôi cứ nghĩ rằng, tuổi già đau nhức vậy thôi! Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh đau vai gáy và điều trị tận tình. Mỗi ngày tôi được xoa bóp, bấm huyệt. Sau 10 ngày nằm viện điều trị, tình trạng đau giảm hơn 50%, có thể tự ngồi dậy được”.
Các chuyên gia khuyến cáo: Khi phát hiện những biểu hiện bất thường ở vùng vai gáy, người bệnh cần đi khám ở cơ sở y tế. Tùy theo nguyên nhân và thể trạng của bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa sẽ định hướng phương pháp điều trị bệnh phù hợp, hiệu quả và kịp thời nhất. Sau một thời gian điều chỉnh, chữa trị và thay đổi lối sống, triệu chứng bệnh sẽ giảm nhiều. Để phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh đau vai gáy, mỗi người tự điều chỉnh tư thế ngồi đọc sách, làm việc máy tính, sử dụng điện thoại, không giữ một tư thế quá lâu; thường xuyên tập luyện thể dục thể thao vừa sức, thích hợp.