Đón cơ hội với khu đô thị lấn biển Queen Pearl Marina Complex tại Bình Thuận
Kinh tế - Ngày đăng : 16:04, 09/09/2019
Khai thác lợi thế biển
Bình Thuận hiện là một trong những trung tâm lớn về khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất giống hải sản của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Trong đó, La Gi là một trong ba ngư trường lớn của Bình Thuận với sản lượng khai thác hàng năm trên 60.000 tấn. Sở hữu bờ biển dài 28 km, nguồn lợi hải sản trên vùng biển La Gi được đánh giá đa dạng, có nhiều loài hải sản giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho chế biến để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2018, sản lượng khai thác hải sản của La Gi đạt 62.900 tấn tương đương với khoảng 1.500 tỷ đồng.
Một trong những ngư trường lớn, quan trọng của ngành thủy sản
Để khai thác kinh tế biển, mục tiêu phát triển đến năm 2025, La Gi hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, cơ cấu lại thuyền nghề khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường hướng tới nâng cao hiệu quả và thu nhập. Khai thác hải sản xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế, bảo quản sản phẩm trên biển, cũng như tổ chức khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ven bờ là hướng mà địa phương này hướng tới.
Tiềm năng về phát triển của La Gi còn được hậu thuẫn, khi được Bình Thuận quy hoạch là đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Tây Nam. Hiện, hạ tầng, cảnh quan nơi đây cũng đã được đầu tư mạnh mẽ. Để khai thác lợi thế biển, mô hình đô thị mà La Gi hướng tới là xây dựng phát triển gắn liền khai thác kinh tế biển. Trong đó, lấn biển để mở rộng thêm mặt đất phục vụ cho phát triển kinh tế là một trong những ý tưởng được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi giá trị tiềm năng rất lớn.
Thông qua sự kết hợp giữa định hướng phát triển của nhà nước và kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đem kinh nghiệm tham gia vào là tiền đề để hình thành nên những khu đô thị mới quy hoạch bài bản, hiện đại, tiện ích. Phát triển đô thị ở vùng biển có thể nói là đạt được hai mục đích quan trọng: hình thành khu dân cư hiện đại, cải thiện đời sống người dân đồng thời gia tăng giá trị của tiềm năng vùng biển.
Lấn biển theo quy hoạch – lẽ tất nhiên để đảm bảo đô thị bền vững
Như một lẽ tất nhiên, để đảm bảo quá trình phát triển cho một khu vực, điều quan trọng đầu tiên cần phải thực hiện chính là tạo dựng nền tảng vững chắc cho đời sống của người dân địa phương, đồng thời tìm kiếm và khai thác tiềm năng riêng biệt của từng nơi để tạo ra sức hút chất lượng giúp thu hút hoạt động đầu tư thật mang tính lâu dài.
Qua khảo sát, nghiên cứu, dự án lấn biển tạo khu dân cư thương mại dịch vụ mới La Gi (Queen Pearl Marina Complex) được đánh giá là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không gian mặt nước phong phú, các dự án du lịch dọc ven biển phát triển. Tuy nhiên, cho đến tận khoảng đầu năm nay (2019), trước khi hoạt động đầu tư dự án được triển khai, khu vực này vẫn chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, dân cư phát triển tự phát, thiếu sự đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đô thị trong tương lai, gây khó khăn cho việc quản lý và đầu tư xây dựng sau này; đồng thời không đảm bảo an toàn trong mùa ngập lũ, gây mất mỹ quan cho đô thị.
Chính vì vậy, Queen Pearl Marina Complex có vai trò lớn trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Dự án nằm trong tổ hợp đô thị lấn biển có vị trí đẹp của Bình Thuận. Nơi này còn là khu đô thị phức hợp dịch vụ thương mại đầu tiên và quy mô lớn nhất tại La Gi, được tích hợp hệ thống tiện ích hoàn chỉnh như trung tâm thương mại, shophouse, công viên, đường dạo bộ ven biển, khu vui chơi thiếu nhi, khu tập thể thao,… đáp ứng cuộc sống tiện ích cho người dân khu vực.
Quy hoạch đầy đủ tiện ích để chỉnh tranh bộ mặt đô thị và nâng cao đời sống địa phương
Thêm vào đó, Queen Pearl Marina Complex còn nằm tại vị trí quan trọng của phân khu 4 (khu vực phường Phước Lộc Phước Hội, thị xã La Gi). Ngoài chức năng chỉnh trang đô thị, mở rộng diện tích phát triển kinh tế thì dự án còn giúp chống tình trạng xói mòn do biển xâm thực. Có thể nói, đầu tư Queen Pearl Marina Complex là tiến tới cụ thể hóa quy hoạch chung, cũng như khai thác quỹ đất hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế và cải tạo bộ mặt đô thị La Gi.
Cơ hội gia tăng giá trị được hậu thuẫn vững chắc
Khả năng phát triển kinh tế biển của Queen Pearl Marina Complex là vô cùng rõ ràng. Khả năng đó được chứng minh qua vị trí dự án, với hướng Đông giáp cảng La Gi; hướng Tây - Nam giáp biển; phía Bắc giáp đường Bến Chương Dương với khu dân cư hiện hữu sầm uất. Yếu tố trọng điểm còn thiếu ở vùng này chính là sự tổ chức khoa học trong quy hoạch đô thị để hoạch định rõ ràng chức năng của từng khu vực. Và nhiệm vụ của Queen Pearl Marina Complex chính là hoàn chỉnh điều đó.
Cảng La Gi là một trong hai cảng quan trọng ở La Gi, ngoài là cửa ngõ giao thương thuỷ sản, còn là nơi tránh trú bão cho tàu cá vùng. Như kế hoạch, cảng La Gi sẽ được đầu tư để trở thành cảng thương mại tổng hợp. Nơi này sẽ là đầu mối dịch vụ hậu cần, cung ứng vật tư, nhiên liệu phục vụ khai thác; thu hút tàu thuyền cập bến tiêu thụ sản phẩm tạo nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến. Thay vì giá trị thu về trong 1 năm hiện tại ở mức khoảng 1.500 tỷ đồng, sau khi cảng La Gi được nâng cấp thành khu thương mại tổng hợp với nhiều dịch vụ chế biến, giá trị thu về có thể đạt được đến mức nhân đôi với cùng một mức khối lượng thủy hải sản, đồng thời tận dụng triệt để nguồn sản phẩm đánh bắt, khai thác được.
Dự án sẽ là khu hậu cần hiện đại để phục vụ cho các hoạt động kinh tế biển
Kinh tế phát triển thì thu hút dân cư là điều hiển nhiên, và Queen Pearl Marina Complex được quy hoạch cũng là để đáp ứng chỗ ở cho những lao động làm việc tại cảng nhằm khai thác tiềm năng biển của La Gi về lâu dài.
Để đảm bảo tiến độ và sớm đưa dự án ra thị trường, chủ đầu tư cũng gấp rút thực hiện các công việc đầu tư. Trong tháng 6/2019 vừa qua, Cục Thuế Tỉnh Bình Thuận đã có thông báo số 4891/CT-KK xác nhận nộp tiền thuế đất, tiền sử dụng đất, tiền lệ phí trước bạ nhà đất và tiền chậm nộp của công ty TNHH Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ Vi Nam - chủ đầu tư Queen Pearl Marina Complex. Dự kiến, Queen Pearl Marina Complex sẽ tiếp tục triển khai các phân khu tiếp theo trong khoảng đầu quý IV 2019.