Phát hiện Linga bằng vàng tại tháp Pô Dam

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:15, 01/12/2023

Cuộc khai quật khảo cổ kéo dài 2 năm (2013 - 2014) do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ và Bảo tàng Bình Thuận thực hiện tại tháp Pô Dam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng kiến trúc và di vật cực kỳ phong phú, đa dạng về các loại hình, với nhiều thông tin mang lại hiểu biết mới về một nhóm đền tháp thuộc loại cổ nhất của nghệ thuật kiến trúc Chămpa hơn 1.300 năm trước.

Những phát hiện mới của đợt khai quật

Đầu thế kỷ XX, nhà khảo cổ học người Pháp - Henri Parmentier chuyên nghiên cứu về văn hóa Chămpa đã khảo sát, nghiên cứu tháp Pô Dam. Do không có điều kiện khai quật, nên khi đến đây ông chỉ khảo sát, đo vẽ những kiến trúc trên mặt đất và kết luận là nhóm tháp này chỉ có 6 tháp, 2 tháp phía Bắc đã bị sụp đổ, còn lại phần đế tháp gạch cao khoảng 1 m.

screenshot_1701356191.png
Bia ký chữ Phạn (Sanskrit).

Hơn 100 năm sau, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện thêm 2 đế tháp mới. Cả 2 tháp này đều nằm trước nhóm tháp B về hướng Nam, đã bị sụp đổ, vùi lấp nhiều thế kỷ trước nên không ai biết; trong đó có một tháp có đế dài tới 16,30m và chiều rộng là 6,95m. Đó là dấu tích của một tháp có chiều dài nhất lần đầu phát hiện ở đây và khu vực từ Bình Định trở vào. Trong khi tất cả các tháp Chăm khác ở Bình Thuận cũng như ở miền Trung đa phần đều có bình đồ hình vuông hoặc gần vuông, có một cửa chính trổ về hướng Đông thì ở đây tháp có 2 cửa, một trổ về hướng Bắc và cửa còn lại trổ về hướng Nam. Như vậy, nhóm tháp Pô Dam có tất cả 8 tháp. 4 tháp bị sụp đổ và 4 tháp đã được trùng tu như dáng vẻ ban đầu.

Bên cạnh những phế tích các đế tháp và những bộ phận kiến trúc khác được tìm thấy có kết cấu rất đa dạng, phức tạp thuộc nhiều giai đoạn kiến trúc và sử dụng khác nhau, kết quả khai quật còn phát hiện được khối lượng rất lớn di vật đá, gốm sứ, đất nung, kim loại và một bàn nghiền (pesani – rasun batau) có hình dáng rất khác lạ so với loại bàn nghiền thường tìm thấy trong văn hóa Chămpa.

bia-1-.jpg
Linga vàng là một phát hiện quan trọng của cuộc khai quật này.

Một bia ký bằng đá khắc bằng chữ Phạn (Sanskrit) là một cổ ngữ Ấn Độ ghi niên đại là năm 710 (tức đầu thế kỷ thứ VIII). Có thể thấy tấm bia ký này là một phát hiện rất quan trọng, bởi nhờ nội dung khắc trên đó mà những giá trị về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc nhóm tháp được làm sáng tỏ và khách quan, kể cả việc định lại niên đại cho một số tháp Chăm khác.

Hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo nhiều thế kỷ trước tại đây qua sưu tập di vật kim loại thu thập được gồm các loại vật dụng được làm từ những chất liệu khác nhau như vàng, đồng thau, sắt, gốm sứ, như nhạc khí bằng đồng gồm có chuông, chũm chọe, lục lạc. Đồ trang sức với 2 chiếc nhẫn thuộc loại hình phổ biến và mang đậm bản sắc của văn hóa Chămpa (nhẫn mưta); 1 mảnh vỡ gương đồng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Một cây thước bằng đồng ở giữa 4 cạnh vuông có nhiều khắc vạch cả 4 cạnh với ký hiệu khác nhau, hai đầu tròn là cây thước tỷ lệ dùng để cho người thợ sử dụng khi xây tháp. Đây là một phát hiện kỳ thú và có giá trị khoa học trong kiến trúc và quá trình xây dựng tháp. Những phát hiện trên có giá trị to lớn cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của người Chăm xưa.

Phát hiện Linga bằng vàng

Như những ngày bình thường khác khi khai quật khảo cổ trong khuôn viên tháp Pô Dam. Hôm đó vào buổi chiều trung tuần tháng 6 năm Quý Tỵ (2013) khi nhóm công nhân đang đào các lớp đất bên ngoài tường nhóm tháp Bắc, bỗng một công nhân phát hiện vật gì có màu vàng sâu khoảng 50cm dưới lớp đất trộn sỏi và gạch bể. Là người giám sát nhóm công nhân khai quật, anh Uông Trung Hòa (Bảo tàng tỉnh) cùng các chuyên gia ở Viện KHXH bình tĩnh mời mọi người lui ra để xem xét và tác nghiệp kỹ thuật. Lúc sau thì đưa lên một di vật kim loại màu vàng. Không nói ra nhưng nhóm công nhân ở công trường khai quật đều biết đó là vàng. Họ chỉ không biết đó là vật gì, chức năng như thế nào và sao lại chôn ở đó...

Do tính bảo mật của di vật, nên sau khi lập biên bản tại hiện trường và các thủ tục khác theo quyết định cho phép khai quật của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Di vật kim loại màu vàng được hộ tống đưa về Bảo tàng tỉnh ngay trong đêm. Thông qua việc giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là đầu chiếc Linga bằng vàng ròng (vàng có độ tinh khiết cao, không như vàng non trong những chiếc chén phát hiện ở tháp Pô Klong Garai năm 1984 ở Phan Rang). Linga là một tác phẩm nghệ thuật mà với tài nghệ của người thợ kim hoàn đã tạo nên một tuyệt tác mang đầy tính thẩm mỹ của các bậc tiền nhân, thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo mang bản sắc Chăm trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng. Niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII – cùng niên đại xây dựng nhóm tháp Pô Dam.

Kích thước, số đo Linga: Chiều cao 6,4cm; rộng giữa 5,7cm; đường kính ngoài 5,7cm; chu vi 17cm; khối lượng 78,3630g (kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 Bộ KHCN). So với những Linga bằng vàng phát hiện trong di tích Chămpa hay văn hóa Óc Eo thì Linga bằng vàng ở Pô Dam có kích thước, khối lượng và hàm lượng vàng lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, giá trị chính của Linga ở Pô Dam không nằm ở chỗ 78,3630g vàng ròng mà nằm ở cấu trúc chiếc Linga, xuất xứ, niên đại, tính hiếm và nghệ thuật chế tác thủ công.

Linga được chế tác bằng phương pháp đúc từ khuôn chứ không phải bằng phương pháp gò hay dập nổi như đa phần di vật vàng phát hiện ở văn hóa Óc Eo (Ba Thê – An Giang) hay ở khu đền tháp Cát Tiên – Lâm Đồng. Điều đặc biệt là Linga phát hiện trong địa tầng khai quật. Những chi tiết trên Linga hình tròn, thân trong và ngoài trơn nhẵn, dưới đế chạy những đường viền mỏng… thể hiện rất tinh tế, chứng tỏ xưa kia những người thợ thủ công Chăm đã đạt đến một trình độ khá cao trong nghệ thuật kim hoàn. Đến thời điểm hiện nay có thể thấy Linga vàng ở Pô Dam là một trong những tác phẩm hiếm hoi được biết đến trong nghệ thuật Chămpa nói chung và Bình Thuận nói riêng. Cùng với những di vật độc bản khác như bia ký, chiếc thước đồng, gương đồng, bộ nhạc khí… thì Linga vàng là một phát hiện quan trọng của cuộc khai quật này.

Nghiên cứu về văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của vương quốc Chămpa trong những giai đoạn hưng thịnh cho thấy, mỗi vị vua sau khi lên ngôi hay lập được một chiến công hiển hách thường cho xây mới hay tu bổ các tháp cũ, đúc tượng vàng dâng hiến cho thần Shiva là vị thần tối cao. Đó là món quà quan trọng và quý giá nhất mà các vị vua Chămpa dâng lên thần Shiva. Linga vàng ở Pô Dam cũng là trường hợp như thế. Thần Shiva ở tháp Pô Dam chính là hiện thân ở ngẫu tượng Linga – Yoni bằng đá thờ ở nhóm tháp Bắc mà Henri Parmentier đầu thế kỷ XX đã khảo tả. Đây cũng là di vật đặc biệt Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn để thiết lập hồ sơ trình Hội đồng Di sản quốc gia xét duyệt, công nhận vật bảo vật quốc gia.

Nguyễn Xuân Lý