Bức thư lá vàng
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:00, 01/12/2023
Dường như cách nói ấy rất hiệu quả giúp người ta thoát khỏi cơn sợ hãi tuổi già. Nhưng khi tàn cuộc họp mặt, nắng chiều đã dát vàng khắp nơi, chính tôi khi bước ra sân nhặt chiếc lá vừa rơi nghiêng trước mặt lại cảm giác như mình vừa nhận được bức thư lá vàng, bức thư thông báo về một quy luật lớn và chung nhất của trời đất, của tự nhiên. Ừ thì nhận chớ sao đâu! Tuổi sáu mươi là tuổi đầy mâu thuẫn mà, người ta hay giễu vui “già không đồng bộ” là nói về đoạn mùa hoa giáp này đó thôi, chuyện đời bỏ ngoài tai nhưng lại quay vào lắng nghe mình từng ngày, từng giờ, từng phút.
Không có đêm tối sao thấy ngày sáng, không có lúc khỏe mạnh sao nhận ra cơ thể rục rịch suy này mỏi nọ nhức kia?! Vậy nên khi không còn nhấc nổi cái chậu kiểng, cái xô nước, thay vì để nỗi buồn yếu mỏi gặm nhấm ta phải vui mừng vì có thời mình khỏe mạnh, từng coi mấy cái chậu, cái xô này là chuyện nhỏ như con thỏ.
Trong giới văn chương có nhà văn Tô Hoài, sống chín mươi lăm tuổi đời mà có sáu mươi năm cầm bút viết văn và xuất bản “có một trăm sáu mươi đầu sách chớ mấy”. Suy ra độ tuổi sáu, bảy, tám mươi là độ sung sức nhất của ông! Vậy hàng con cháu “sáu mươi chớ mấy” mà nặng nề về tuổi già thì “quê độ”, xấu hổ chết!
Hay như nhà văn Ma Văn Kháng – Nguyễn Thành Long, tác giả của “Lặng lẽ Sa Pa”, càng lớn tuổi càng viết nhiều viết hay. “Có hai mươi tiểu thuyết và hai trăm truyện ngắn chớ mấy!”. Cứ nhìn truyện ngắn mới của ông in đều đặn trên các báo là tôi lại hình dung đến cái máy “nhật quang ký” dựa vào vết cháy mà định nắng. Con người sống tích cực là vậy, định cái được, cái tốt, không ai dại gì mà đi định giá trị cuộc đời mình bằng những cơn đau nhức vớ vẩn ở khớp tay khớp chân, hay độ mỡ máu hay huyết áp trồi sụt…
Cứ theo mấy tấm gương ấy để chú tâm làm việc, để vui sống, hết lòng hết dạ với ước mơ, với yêu thương, để không sợ hãi. Mỗi khi đối diện với chính mình tôi thường tự nhủ như thế nhưng cũng có lúc, như sau cuộc họp lớp kỷ niệm 43 năm này, tôi lại khuyên mình phải biết đọc bức thư lá vàng đang trên tay để biết chiếc đồng hồ của mình đang vào đoạn mặc định quay ngược. Quỹ thời gian đời người hữu hạn nên phải biết trân quý từng giây, từng phút còn lại để sống sao cho ý nghĩa nhất, phải làm việc và vui sống bằng lòng chân thành tự nhiên và dùng phương pháp tối ưu nhất có thể.
Tôi có người bạn sống tươm tất lắm, việc gì làm được là anh ấy làm liền, quyết không để dây dưa, nhất là nợ ai phải trả cho xong. Ngay cả chuyện ma chay lễ tế của mình anh cũng chuẩn bị, căn dặn người nhà cẩn thận. Triết lý của anh ấy là “đời người vô thường, đừng để nằm xuống mà còn áy náy, lo lắng. Khi sinh ra đã khóc thì khi nhắm mắt phải cười chớ!”. Nhưng rồi trong ngày anh ấy “đi xa”, tôi vẫn chứng kiến giọt nước mắt cuối cùng lem luốc trên khóe mắt buồn thương, gia đình anh bề bề bao nỗi lo chưa giải quyết được. Đời sống của con người không cứ hai lần hai là bốn nhưng tươm tất đến mức có thể ấy cũng là cố gắng, được làm người là một ân sủng, được làm người chu toàn lại là một đặc ân.
Tôi nhớ đã đọc đâu đó cái triết lý của sự tươm tất: “Năm năm, sáu tháng, bảy ngày”, nghĩa là khi tuổi đã chạm hàng năm mươi chỉ nên lên kế hoạch làm việc và sinh hoạt trong phạm vi một năm thôi, hàng sáu thì kế hoạch theo từng tháng, hàng bảy thì đơn vị thời gian quan trọng nhất là ngày. Không như vậy sẽ có nguy cơ dở dang, chưa xong, chưa trọn.
Tôi lại cầm chiếc lá vàng mãi trên tay, săm soi mãi tôi mới nhận ra ngoài sắc vàng đang ngời lên trên khắp mặt lá tưởng chừng trọn vẹn kia còn có một vài nơi lỗ chỗ bị sâu, bị hư và đã lành sẹo, những vết sẹo rất đẹp. Tự dưng tôi gật gật đầu và ngộ ra như vừa đọc được một thông điệp quan trọng trên bức thư lá vàng ấy: Không có gì là toàn vẹn cả! Chính sự không toàn vẹn cũng là một nét đẹp nơi con người. Chúng ta không thấy thế giới nghệ thuật, âm nhạc, hội họa được tạo nên bằng những cuộc tình dở dang đó sao?! Nghĩ vậy tự dưng lòng nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn, hiểu hơn, thấm thía hơn điều mà bức thư lá vàng mách bảo là hãy độ lượng với chính mình, mọi chuyện sẽ qua nhanh thôi. Hãy sống chân thành từng phút giây và hãy độ lượng - với - chính - mình!
Và kìa, trên bức thư lá vàng còn có đoạn tái bút viết bằng những nét chữ gân lá mạnh mẽ: Khi bận bịu với ước mơ của mình ta sẽ thấy thế giới này thật đáng sống biết bao.