Cần rèn cho học sinh kỹ năng phòng chống bạo lực học đường
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:35, 04/12/2023
Bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn đáng lo ngại trong xã hội và gây ra những tác động tiêu cực. Hiện có rất nhiều hình thức bạo lực, bắt nạt học đường từ những hành động dễ dàng nhìn thấy như: đánh nhau, chửi nhau, đe dọa, thách đố cho đến nhiều chiêu bắt nạt học đường ngày càng tinh vi như: nói xấu, thao túng, cô lập hoặc bắt nạt trên không gian mạng… những dấu hiệu này đều là những nguyên nhân trực tiếp gây ra bạo lực học đường. Nếu học sinh được trang bị những kỹ năng nhận biết các dấu hiệu nguy cơ bạo lực học đường, học sinh sẽ biết cách né tránh khỏi bế tắc trong cách hành xử.
Khi học sinh nhận ra mình có khả năng bị bắt nạt bởi một học sinh khác, học sinh nên chia sẻ với thầy cô, cha mẹ hoặc bạn bè. Họ sẽ giúp học sinh giải tỏa vấn đề hay nhìn nhận sự việc ở một khía cạnh khác, từ đó sẽ giúp học sinh có những điều chỉnh hành vi phù hợp. Bên cạnh đó, học sinh hãy luôn là chính mình vì đôi khi, cách thể hiện hay thu hút sự chú ý của bản thân cũng là nguyên nhân khiến học sinh khó hòa nhập. Đồng thời học sinh cũng cần rèn luyện, trau dồi bản thân để cho mình trở nên “mạnh mẽ” hơn, cả về thể chất, tinh thần lẫn năng lực, điều đó sẽ giúp học sinh tránh khỏi các đối tượng bắt nạt.
Trong các vụ bạo lực học đường, học sinh có thể là nạn nhân và cũng có thể là người bắt nạt, nhưng cả hai đều gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách. Gia đình, nhà trường và xã hội cần phải quan tâm, tạo điều kiện hình thành cho học sinh kỹ năng nhận biết, phân tích, đánh giá các hành vi, biểu hiện thái độ của những người xung quanh. Học sinh sẽ biết phân định đâu là đúng - sai, tốt - xấu. Nhờ đó học sinh biết lựa chọn học hỏi hành vi tốt, phù hợp với chuẩn mực xã hội, tránh được hành vi xấu không được xã hội chấp nhận.
Nên khuyến khích học sinh tham gia vào những hội bạn, nhóm bạn khác nhau như nhóm học tập, nhóm bạn chơi thân… để vừa khuyến khích học tập vừa là công cụ hiệu quả để phòng chống bạo lực học đường. Duy trì và phát triển sự thân thiện các mối quan hệ bạn bè giúp học sinh tương tác một cách tích cực với những người xung quanh. Kỹ năng này cũng hướng học sinh biết chọn bạn mà chơi, cùng bạn tìm cách né những trận ẩu đả và nhờ bạn thông tin đến người khác nếu có dấu hiệu của việc gây sự, xung đột.
Đặc biệt là những học sinh khối THCS, THPT rất thích các hoạt động nhằm thiết lập mối quan hệ bạn bè. Các học sinh rất coi trọng tình cảm, vậy nên một chút bất hòa cũng làm cho chúng “mất ăn, mất ngủ”, thậm chí rơi vào trạng thái stress. Những suy nghĩ bất mãn trong đầu như bị bạn bè sỉ nhục sẽ làm mình mất danh dự, thể diện sẽ gây ra những hành vi tiêu cực. Vì thế các bậc cha mẹ và thầy cô phải gần gũi, quan tâm, chia sẻ động viên học sinh biết vượt qua, bản lĩnh hơn để sống và học tập. Kỹ năng này giúp học sinh cân bằng tâm lý, tránh được trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực, tránh được sự trầm cảm - nguy cơ cao nhất dẫn đến tự tử.
Với những kỹ năng trên, hy vọng giúp cho học sinh tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho gia đình và cộng đồng. Để hướng đến xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không bạo lực học đường.