Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:15, 06/12/2023

UBND TP. Phan Thiết xác định từ nay đến năm 2030, phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong từng giai đoạn.

Ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết: Triển khai thực hiện chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đi đôi với đó, chất lượng đào tạo nghề của một số trường tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt từ 30 - 32%. Để đạt mục tiêu, UBND thành phố đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó trọng tâm là tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển các lĩnh vực công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Triển khai thực hiện chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động GDNN và phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc.

img_9902.jpeg
Chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ công an đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN tổ chức tại TP. Phan Thiết.

Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, 2025 - 2030. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc các đối tượng người hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nông thôn và lao động thất nghiệp, thiếu việc để tìm việc làm, hòa nhập thị trường lao động.

Đối với giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số về GDNN, thành phố sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở địa phương và các cơ sở GDNN. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác góp phần hình thành cơ sở dữ liệu mở quốc gia. Xây dựng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến các cấp độ trong giáo dục nghề nghiệp. Đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động đầu tư phát triển các nền tảng số.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, một giải pháp trọng tâm nữa đó là gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Đẩy mạnh hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là chất lượng lao động có kỹ năng nghề cao để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động. Mặt khác, tăng cường gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh với Trung tâm Dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

UBND TP. Phan Thiết đặt mục tiêu cụ thể đến hết năm 2030, phấn đấu thu hút từ 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt trên 25%; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt trên 25%; các kỹ năng công nghệ thông tin đạt tỷ lệ trên 80%...

KIM ANH