Viết hóa đơn điện tử bán lẻ, doanh nghiệp xăng dầu kêu tốn kém, khó thực hiện
Trong nước - Ngày đăng : 08:59, 06/12/2023
Bộ Tài chính và Chính phủ đang chỉ đạo các DN bán lẻ xăng dầu phải đầu tư trang thiết bị và xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần bán hàng. Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ: "Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán”.
Hóa đơn điện tử nâng cao tính thuận tiện, an toàn, dễ quản lý
Thực tế thời gian qua, quy trình xuất hóa đơn tại các cửa hàng xăng dầu gần như không thông dụng, bởi sự phức tạp, thủ công gây tốn thời gian của cả bên bán và bên mua. Đa số việc khai xuất hóa đơn xăng dầu đều liên quan đến các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà ít khi khách hàng cá nhân có nhu cầu lấy hóa đơn tại các cửa hàng xăng dầu. Mua hàng không lấy hóa đơn, phiếu thanh toán có vẻ như tạo được sự thuận lợi, nhanh chóng trong giao dịch, xong cũng ẩn chứa nhiều bất cập nhất là trong công tác quản lý.
Lái xe Nguyễn Sơn Tùng tại Công ty TNHH MTV Sơn Lộc (Hà Nội) cho hay, quy trình mua xăng và chờ lấy phiếu, hóa đơn mua xăng để về thanh toán với công ty khá mất thời gian. Nhất là khi phải mua xăng tại các cửa hàng khu vực trung tâm đông người, việc cho xe ra vào cửa hàng đã khó khăn, ùn tắc xong lại còn mất thêm thời gian làm thủ tục thanh toán khiến nhiều lái xe không tránh khỏi bức xúc.
“Từ 1-2 năm nay, nhiều cửa hàng của Petrolimex có hệ thống cho phép khách hàng cà thẻ xăng dầu, hoặc chạm để thanh toán bằng các loại thẻ Visa nên tốc độ thanh toán đã nhanh và an toàn hơn. Nếu tất cả các cửa hàng xăng dầu cùng phát hành HĐĐT, sẽ giúp những lái xe như tôi thuận tiện nhiều hơn trong việc đối chiếu số liệu mỗi khi thanh toán”, anh Tùng bày tỏ.
Theo chia sẻ của ông Đào Nam Hải, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Petrolimex là DN đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu triển khai thành công giải pháp phát hành HĐĐT ngay sau từng lần giao dịch bán hàng, tại gần 2.700 cửa hàng xăng dầu trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2023. Sau gần 1 năm chuẩn bị, Petrolimex đã cùng với các đối tác phối hợp làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả và quyết liệt hoàn thiện hệ thống để đáp ứng các yêu cầu về quản lý, phát hành và sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
“Petrolimex tin tưởng, việc triển khai thành công giải pháp phát hành HĐĐT sẽ là bước đột phá tạo sự minh bạch, bình đẳng và góp phần xây dựng một thị trường xăng dầu lành mạnh bền vững, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao”, ông Hải khẳng định.
Doanh nghiệp kêu khó, vẫn cần thêm thời gian chuẩn bị
Phản hồi về Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu khẩn trương triển khai phát hành HĐĐT trong từng lần bán hàng, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, nhiều DN chưa thể triển khai bởi gặp nhiều khó khăn cả về nguồn tài chính và nguồn nhân lực đảm trách.
Cụ thể theo phân tích của ông Tây, để thực hiện quy định này, hầu hết DN kinh doanh xăng dầu trên trên toàn quốc sẽ phải bỏ tất cả các đầu số điện tử của trụ bơm đang còn sử dụng, để gắn đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn được máy in gây ra quá nhiều lãng phí. Để thay đổi đầu số điện tử, tính trung bình mỗi cửa hàng có 4 trụ bơm phải tốn từ 60-80 triệu đồng. Nếu tính cả nước, con số tiêu tốn khoảng 1.360 tỷ đồng trong khi các DN đều đang trong tình trạng kinh doanh bị lỗ, chiết khấu sụt giảm.
“Theo tính toán chi phí cho việc sử dụng HĐĐT từng lần sẽ là 1,025 triệu đồng/ngày, chiếm hết phần lợi nhuận của DN khiến DN tiếp tục sẽ bị lỗ nặng. Chi phí cho HĐĐT từng lần sẽ cực kỳ lớn và tiêu tốn tiền HĐĐT của DN gấp hàng trăm lần như hiện nay. Với chi phí bỏ ra quá lớn và không phù hợp với tài chính của DN cũng như trình độ của nhân viên quản lý, thì đây chưa phải là giải pháp duy nhất để chống thất thu thuế”, ông Tây phản hồi.
Từ những phân tích trên, ông Tây kiến nghị việc xuất HĐĐT từng lần là không cần thiết. Nên để cho DN bán lẻ thực hiện xuất HĐĐT như hiện nay mà không xuất theo từng lần. Việc áp dụng công nghệ là phải có lộ trình và còn tùy thuộc vào nguồn lực tài chính của DN, cho nên theo yêu cầu của Công điện các DN phải thực hiện phát hành HĐĐT trong tháng 12 này sẽ là bất khả thi, có liên quan đến tài sản và trình độ con người nên cần phải cân nhắc.
Khi nhìn nhận về vấn đề này, Chuyên gia tài chính, TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định, HĐĐT đã được triển khai rộng khắp ở nhiều lĩnh vực và đang mang lại hiệu quả. Việc phát hành HĐĐT đối với lĩnh vực xăng dầu sẽ không quá khó khăn, bởi quá trình kết nối giữa hệ thống nhập - xuất xăng dầu với máy tính để truyền số liệu là không quá phức tạp. Nhiều DN hiện đang có ý trì hoãn quá trình phát hành HĐĐT bởi lý do đơn giản là họ không muốn công khai minh bạch. Nhưng khi đã là luật, là quy định, các DN phải chấp hành, không nên coi nhẹ bởi sẽ dễ vướng vi phạm của luật pháp, thậm chí là lao lý.
“Những chi phí cho hoạt động chuyển đổi HĐĐT là cần thiết, do đó cũng cần có một khoảng thời gian thích hợp để cho các DN thực hiện chuyển đổi. Bộ Tài chính cũng nên có một quy định về thời gian cụ thể từ 3 - 6 tháng để các DN có thời gian chuẩn bị. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng nên có hướng dẫn các cách thức chuyển đổi HĐĐT cho phù hợp với chi phí của DN. Về mặt nguyên tắc, tất cả các cửa hành kinh doanh xăng dầu khi bán hàng đều phải có hóa đơn, do đó các khách hàng cũng nên tập có thói quen lấy hóa đơn mỗi khi đi mua xăng dầu, giống như mua các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi”, TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.