Gạo nàng thơm quê nhà

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:10, 08/12/2023

Là một nông dân chính gốc, nhưng đã hơn 35 năm rồi; kể từ những năm đầu đất nước thực hiện đổi mới, tôi mới được ăn lại một bữa cơm gạo nàng thơm, nhưng lại là gạo nàng thơm Chợ Đào do người bạn ở Long An tặng cho 5 kg làm quà.

Khi nấu cơm, mùi thơm lúc cơm sôi làm tôi không quên được một thời ở quê hương nhiều khổ cực. Tôi nhớ như in, sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12/1986. Đất nước tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý kinh tế sang kinh doanh XHCN; đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác quần chúng của Đảng. Người nông dân được chia ruộng đất theo khẩu phần. Lúc bấy giờ, nhà tôi có 10 khẩu phần gồm: Ba, mẹ, bà ngoại và 7 anh em chúng tôi nên được chia 5 sào đất ruộng. Sau hơn 1 năm độc lập sản xuất, nộp khoán sản phẩm cho hợp tác xã, số lúa còn lại trong gia đình tôi đã có của ăn của để. Và, cũng từ đó mỗi năm ba, mẹ tôi dành 1 sào ruộng để trồng lúa nàng thơm, số còn lại vẫn làm lúa thường.

chen-com.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, đi dọc hai bên bờ ruộng nhìn những bông lúa chín vàng rực, tôi thấy ba tôi có một nụ cười rạng rỡ. Với khuôn mặt gầy gầy, xương xương của người nông dân khắc khổ, nụ cười và ánh mắt của ba làm cho tương lai của anh em chúng tôi sáng ngời hơn kể từ ngày đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Lúc bấy giờ, trên cánh đồng ruộng vài chục ha, chỉ lác đác vài sào là trồng lúa nàng thơm thôi, vì phải trồng lúa ngắn ngày mới đủ sản lượng nộp cho hợp tác xã và còn nuôi sống gia đình. Các loại lúa ngắn ngày, chỉ kéo dài trong vòng 3 tháng là thu hoạch, nhưng riêng lúa nàng thơm, thời gian phải gấp đôi.

Những đám ruộng chọn trồng lúa nàng thơm hơi cao hơn các ruộng khác một tý, để tránh ngập nước khi trời mưa dầm nhiều ngày, dễ tháo nước ra các đám ruộng thấp hơn; vả lại thân cây lúa nàng thơm cao hơn lúa thường, chiều cao của lúa khoảng 1,2 - 1,4 m nên rất dễ bị gãy, ngã khi bị ngập úng. Lúc bấy giờ, phân thuốc thì không có nhiều, nhưng lúa nàng thơm có đặc điểm ít sâu bệnh, chuộng phân hữu cơ; nhưng ngược lại là năng suất thì hơi thấp so với các loại lúa ngắn ngày khác. Từ đầu tháng 6 âm lịch bắt đầu nhổ mạ, cấy lúa, nhưng phải đến tiết mùa đông lạnh lúa mới trổ đòng. Sau 6 tháng, đến những ngày se lạnh thì mới thu hoạch. Hạt lúa thon dài, phía ngoài hạt gạo có một lớp cám mỏng rất thơm, chính giữa hạt có màu hồng. Lúa gặt được bó đem về, dùng trâu, bò đạp hoặc đập bằng tay, phơi khô cất để dành ăn trong các ngày tết. Trước đây, xay lúa, giã gạo bằng thủ công dùng sức người là chính, lớp cám vẫn còn nên gạo nàng thơm đem nấu cơm rất thơm. Cơm rất dẻo, để qua đêm ít bị thiu và cơm nguội ăn với muối đậu, muối mè thì nuốt nghẹn cả cổ. Những bữa được ăn cơm gạo nàng thơm đã xóa đi trong tôi những đói nghèo, thiếu thốn của thời bao cấp và khi nhắc lại thì nuốt nước miếng ừng ực.

Theo truyền thuyết dân gian kể, cái tên gạo nàng thơm xuất phát từ một chuyện tình buồn giữa nàng thơm và chàng trai nghèo trong thôn. Do môn đăng hộ đối, hai người không đến được với nhau, nàng thơm đau buồn qua đời. Hay tin người yêu mất, chàng trai đến bên mộ khóc than rồi chết theo. Chỗ họ chết mọc lên giống lúa có mùi thơm, hạt gạo có màu trắng đục như nước mắt của lứa đôi.

Vì giá trị và chất lượng của lúa nàng thơm, nên hàng năm ba, mẹ tôi thường dành một ít để đi biếu ông, bà và người thân trong dịp Tết Nguyên đán. Nhất là những người sinh sống nơi thành thị họ rất quý những hạt gạo giã bằng tay, chất dinh dưỡng trong lớp cám rất có lợi cho sức khỏe con người. Có một thời gian dài, chất lượng gạo nàng thơm không còn như xưa nữa; người nông dân và nhiều cơ quan đã bỏ giữa chừng nhiều năm, có thể giống bị thoái hóa. Và cũng có trường hợp vì lợi ích riêng nên thương lái trộn gạo nàng thơm với các loại gạo khác nên chất lượng không cao, mất thương hiệu. Trong những ngày mùa đông, lại sống xa quê hương có được người bạn tặng quà đặc sản, lòng tôi sung sướng vô cùng. Tôi thầm cảm ơn trời đất, cảm ơn cha mẹ đã sinh mình ra trên cõi đời này; thầm cảm ơn quê hương, cảm ơn những hạt lúa của người nông dân đã nuôi tôi khôn lớn nên người. Hôm nay, quê tôi không còn ruộng đất để trồng lúa như ngày trước nữa, tất cả ruộng đất đã trở thành những vườn thanh long xanh tốt bạt ngàn. Đêm về, ánh đèn điện sáng khắp cả vùng quê để chong đèn cho thanh long mùa tết. Tôi cầu mong, xuân về, tết đến thanh long của quê hương sẽ được mùa, được giá cho nông dân được nở nụ cười trên môi.                  

Đỗ Văn Cường